Trẻ bị sốt siêu vi có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa


Sốt siêu vi là căn bệnh phổ biến ở trẻ em với biểu hiện đa dạng và gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau. Vậy trẻ bị sốt siêu vi có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho ba mẹ thêm thông tin về căn bệnh tương lạ mà quen, quen mà lạ này.


Sốt siêu vi là một trong những loại bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ


1. Tìm hiểu chung về bệnh sốt siêu vi

1.1. Sốt siêu vi là bệnh gì? Tác nhân gây bệnh

Siêu vi là cách gọi của một loại sinh vật rất nhỏ bé là virus, thậm chí chúng nhỏ hơn cả vi khuẩn vốn mắt thường đã không nhìn thấy được. Khác với vi khuẩn, virus có cấu trúc đơn giản hơn rất nhiều. Chúng không thể tự sống, sinh sôi và phát triển ở bên ngoài mà phải xâm nhập vào tế bào của động vật hay con người, lợi dụng nguyên vật liệu của các tế bào này để làm điều . Có hàng trăm hàng nghìn loại virus mà trong đó, nhiều loại có thể gây bệnh cho con người.

1.2. Tại sao trẻ lại thường dễ bị sốt siêu vi tấn công ?

Những năm đầu đời, trẻ là một cá thể non nớt về mặt miễn dịch. Khi trẻ không còn nhận được nguồn kháng thể từ sữa mẹ, cơ thể trẻ lúc này như một người lính mới, lạ lẫm với mọi thứ xung quanh và dễ bị tấn công, nhất là bởi các vi sinh vật gây hại trong đó có virus. Theo thống kê, trong những năm đầu đời, một đứa trẻ có sức đề kháng bình thường có thể bị nhiễm siêu vi từ 6-10 lần mỗi năm. Đó là biến cố nhưng cũng đồng thời là cơ hội để hệ miễn dịch của trẻ được rèn luyện, làm quen với nhiều kẻ thù để biết cách đối phó với chúng.

1.3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt siêu vi:

Biểu hiện chung nhất của tình trạng này là sốt, sốt có thể nhẹ hoặc sốt rất cao. Các triệu chứng phổ biến khác là: ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, đau nhức người... 

Tùy loại virus gây bệnh bé sẽ có thêm một số triệu chứng đặc trưng như chảy nước mắt, đỏ mắt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chấm xuất huyết trên da, nổi ban, bóng nước…Ban do siêu vi thường xuất hiện sau khi sốt đã giảm và ở giai đoạn trẻ bắt đầu hồi phục.


 Sốt là triệu chứng dễ thấy nhất của sốt siêu vi


1.4. Những con đường truyền nhiễm chủ yếu:

Hầu hết virus lây truyền thông qua giọt bắn dịch tiết được bắn ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi, sổ mũi. Vậy nên   virus rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch một cách nhanh chóng. Trẻ em thường bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những người xung quanh, bạn bè, cô bảo mẫu bị mắc bệnh, cầm nắm đồ chơi hay những vật dụng ở nơi công cộng như tay nắm cửa, thanh vịn của cầu thang bị vấy bẩn dịch tiết có chứa virus gây bệnh. 


 Virus rất dễ lây truyền thông qua giọt bắn dịch tiết


2. Trẻ bị sốt siêu vi có nguy hiểm không?

Đa phần các bệnh do siêu vi có thể tự khỏi hoặc tự giới hạn trong 5-7 ngày. Tuy nhiên một không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm:

Viêm tiểu phế quản: Bệnh thường do siêu vi gây ra khiến các tiểu phế quản bị viêm, sưng, tăng tiết dịch làm chít hẹp đường thở, thậm chí tắc nghẽn dẫn đến những hậu quả nặng nề, thường gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi. 

Viêm thanh quản: Một trong những nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp ở trẻ là do siêu vi. Khi bệnh, trẻ ho sặc sụa, khó thở, khàn tiếng, thở rít, nếu diễn tiến nặng có thể dẫn đến thanh quản phù nề nặng gây hẹp đường thở, gây suy hô hấp rất nguy hiểm ở trẻ em.

Viêm cơ tim: một số trường hợp nhiễm siêu vi có thể dẫn đến các cơ tim bị viêm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu trẻ đã hết sốt mà vẫn thấy mệt mỏi, không chơi và bỏ ăn thì ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra. 

Biến chứng ở não: một số virus có thể dẫn đến tình trạng viêm hệ thần kinh trung ương, ví dụ như viêm não, có thể dẫn đến di chứng nếu diễn tiến nặng mà không được xử trí kịp thời.

Ngoài ra, nếu xét theo tác nhân gây bệnh, có một số căn bệnh nguy hiểm sau cần chú ý:

Bệnh tay chân miệng:

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Biểu hiện chính nổi bóng nước ở: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.

Sốt xuất huyết: 

Thủ phạm gây bệnh chính là virus Dengue thông qua trung gian truyền nhiễm là muỗi. Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: Sốt cao đột ngột, kéo dài, sốt không ớn lạnh, da dẻ ửng đỏ, họng đỏ nhưng không bị đau; trẻ mệt mỏi, uể oải, toàn thân nhức mỏi, đau cơ, đau khớp và đau đầu, một số trường hợp có thể bị đau bụng và buồn nôn. Trẻ có thể biểu hiện xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn ở trẻ lớn…


3. Cách điều trị và chăm sóc khi trẻ bị sốt siêu vi

  • Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, mở cửa sổ phòng để không khí lưu thông, cởi bớt quần áo cho trẻ và không ủ trẻ bằng chăn mền, hạn chế tập trung đông người vây xung quanh khi trẻ bị sốt.
  • Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên để có phương án xử trí phù hợp.
  • Nếu trẻ sốt cao trên 38,5°C, có thể hạ sốt bằng cách lau mát: Dùng khăn mềm thấm nước ấm, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp mình trẻ, nhất là các vùng như: Nách, bẹn, cổ,... chờ bốc hơi thì lau tiếp tục cho tới khi giảm sốt. Cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng theo khuyến cáo. Lưu ý, cần xin ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sơ sinh và nhũ nhi sử dụng thuốc. Một trong những loại thuốc hạ sốt phổ biến, an toàn, dễ sử dụng và có hiệu quả cao là Paracetamol. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.


 Chỉ cho trẻ uống thuốc khi sốt cao trên 38 độ C

  • Cho trẻ uống nhiều nước vì khi sốt, đặc biệt là sốt kéo dài, trẻ rất dễ mất nước.
  • Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám xác định nguyên nhân và điều trị sốt.

Những trường hợp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời:

  • Sốt liên tục kéo dài quá 3 ngày
  • Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Sốt cao 40 - 41 độ C khó hạ
  • Sốt kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như: Co giật, li bì khó đánh thức, bỏ ăn.bú, nôn ói tất cả những gì ăn vào, bỏ chơi, thở nhanh co lõm ngực, thở khó…


4. Biện pháp giúp phòng ngừa trẻ bị sốt siêu vi

  • Tiêm vacxin đầy đủ vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân có thể gây sốt siêu vi.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi. 
  • Dạy trẻ cố gắng tránh dùng tay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, vì đây là những cách chính mà virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm bệnh.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh, vì hệ đề kháng của trẻ còn yếu rất dễ bị nhiễm bệnh từ người xung quanh.
  • Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đang tồn tại dịch bệnh.
  • Cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng và đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.
  • Luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.


Các biện pháp được khuyến cáo giúp phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ


Sốt siêu vi sẽ luôn là mối bận tâm thường xuyên của các bậc cha mẹ bởi chúng sẽ xuất hiện khá nhiều trong quá trình lớn lên của trẻ. Hy vọng bài viết đã giúp cho ba mẹ hiểu được nguồn gốc gây bệnh, cách xử trí cũng như cách phòng tránh để yên tâm đồng hành cùng con trong hành trình con khôn lớn. 


Nguồn tham khảo: 

  1. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
  2. Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s Principles of Internal Medicine. McGraw-Hill Education, 19th ed.
  3. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.


Powered by Froala Editor