Bệnh viêm phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị


Viêm phế quản là một trong những bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ, gặp ở nhiều lứa tuổi và có thể dẫn đến viêm phổi có khả năng gây nguy hiểm đến trẻ. Vậy nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản là gì? Triệu chứng như thế nào và cách chăm sóc điều trị ra sao? Bài viết dưới dây sẽ cung cấp cho ba mẹ những thông tin cần biết về căn bệnh thường gặp này.



Viêm phế quản là một trong những bệnh rất thường gặp ở trẻ


1. Tìm hiểu về bệnh viêm phế quản ở trẻ

1.1. Bệnh viêm phế quản là gì?

Trên đây là hình ảnh mô tả một cách khái quát về đường hô hấp của chúng ta, ba mẹ có thể thấy phế quản là những đường dẫn khí lớn. Khi hít vào nó nhận không khí hít vào từ khí quản và đưa vào tiểu phế quản để đến nhu mô phổi trao đổi khí, và ngược lại khi thở ra. Như vậy, viêm phế quản chính là tình trạng những đường dẫn khí lớn này bị viêm, sưng nề và tiết dịch, chính sự viêm sưng và tiết dịch này là nguyên nhân của hàng loạt các triệu chứng của bệnh như sốt, ho đàm, khó thở,…

1.2. Nguyên nhân gây bệnh

1.2.1. Nhiễm trùng đường hô hấp

Siêu vi (virus) là nguyên nhân ban đầu của hầu hết các trường hợp bệnh, theo sau đó có thể là sự bội nhiễm của các vi khuẩn như phế cầu, Haemophilus Influenzae, tụ cầu, liên cầu,…

1.2.2. Các yếu tố khác

Ngoài nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản còn có thể gây ở trẻ còn có thể gây ra bởi các yếu tố khác như bụi bẩn, khí độc, hoá chất, và đặc biệt là khói thuốc lá. Theo thống kê, trẻ em ở chung nhà với người hút thuốc, hít phải khói thuốc thụ động có tỉ lệ viêm phế quản mạn tính cao hơn hẳn trẻ sống trong môi trường không có khói thuốc lá.

1.3. Triệu chứng qua các giai đoạn phát triển của bệnh

1.3.1. Giai đoạn khởi phát

Trẻ có các biểu hiện của nhiễm siêu vi và viêm đường hô hấp trên như: sốt, sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ho, khó thở… Do các triệu chứng này mà trẻ trở nên mệt mỏi, ăn uống kém.

1.3.2. Giai đoạn giai đoạn toàn phát

Sau khi biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn khởi phát 1 - 3 ngày, trẻ sẽ bước vào giai đoạn toàn phát của bệnh với các triệu chứng ở mức độ dữ dội hơn. Trẻ có thể sốt cao, ho nhiều, ho khan hoặc kèm đờm với tính chất đờm đa dạng, ho nhiều khiến trẻ khó ăn uống, thậm chí nôn ói. Trẻ có thể khò khè, khó thở nhiều hơn.


 Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phế quản


1.3.3. Giai đoạn hồi phục

Sau giai đoạn toàn phát, nếu được theo dõi và chăm sóc tốt, đa số trẻ sẽ giảm dần các triệu chứng hô hấp cũng như triệu chứng toàn thân. Trẻ bước vào giai đoạn hồi phục sau 7 - 10 ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên có một số trường hợp có thể bị bội nhiễm vi trùng gây viêm phế quản bội nhiễm, thậm chí viêm phổi.

1.3.4. Triệu chứng nguy hiểm của bệnh 

Viêm phế quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là gây suy hô hấp do không khí không thể lưu thông một cách thuận lợi, bởi phế quản bị viêm sưng và tiết dịch gây hẹp đường dẫn khí. Khi trẻ có biểu hiện như: khó thở nhiều, kiểu thở bất thường (thở co lõm hõm dưới xương sườn, thở nhanh, thở phập phồng cánh mũi), tím tái, da nổi bông, lơ mơ, bứt rứt, bỏ ăn uống,… ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Khi chuyển biến nặng, bệnh viêm phế quản có thể gây suy hô hấp


1.4. Trẻ nào dễ mắc bệnh viêm phế quản

Một số trẻ có cơ địa đặc biệt hoặc sống trong điều kiện không thuận lợi có nguy cơ mắc viêm phế quản cao hơn trẻ khác, đó là:

  • Trẻ bị thừa cân hoặc béo phì.
  • Trẻ có cơ địa dị ứng với các tác nhân gây dị ứng đường hô hấp như bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…
  • Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá.
  • Trẻ sống trong môi trường ẩm thấp, chật chội dễ sinh nấm mốc.


2. Cách chăm sóc và điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ

2.1. Hạ sốt cho trẻ

Sốt là triệu chứng rất thường gặp trong bệnh viêm phế quản. Ba mẹ có thể lau mát, để trẻ mặc đồ thoáng mát, uống nước nhiều nếu trẻ chỉ sốt nhẹ. Nếu trẻ sốt cao > 38,5 độ C hoặc đã có tiền căn sốt cao co giật, ba mẹ có thể cho con uống thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt phổ biến và an toàn với trẻ hiện nay là Paracetamol, trẻ có thể uống liều 10 - 15mg/kg mỗi cữ, tối đa 4 cữ trong một ngày. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.


 Hạ sốt là bước đầu tiên và quan trọng trong điều trị bệnh viêm phế quản cho trẻ


2.2. Điều trị ho, sổ mũi, nghẹt mũi

Ho ở viêm phế quản không nhất thiết là triệu chứng có hại, ho giúp trẻ tống xuất đàm nhớt-vốn là nguyên nhân gây hẹp đường thở khiến trẻ khó thở. Tuy nhiên nếu ho quá nhiều khiến trẻ khó chịu và không ăn uống được, ba mẹ có thể dùng thuốc giảm ho có nguồn gốc thảo dược. Tuyệt đối không dùng những thuốc ức chế ho mạnh vì có thể gây ứ đọng đàm khiến bệnh tình nặng hơn. Khi trẻ sổ mũi nghẹt mũi, ba mẹ có thể dùng nước muối sinh lý rửa mũi hoặc xịt mũi cho con, không dùng những thuốc xịt có chất gây co mạch có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ.

2.3. Làm loãng đờm

Các bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc có tác dụng làm loãng đờm cho con. Khi uống những thuốc này, ba mẹ nên cho con uống nhiều nước để có thể làm loãng đờm hiệu quả. Trẻ có thể ho nhiều hơn sau đó nhưng đó là mục đích của chúng ta, để cơ thể trẻ có thể tống xuất những đàm nhớt đã được làm loãng, giúp đường thở của trẻ thông thoáng và trẻ dễ thở hơn.

2.4. Giữ ấm cơ thể cho trẻ

Trẻ bị viêm phế quản nên được giữ ấm cơ thể bằng cách uống nước ấm, giữ ấm vùng cổ, ngực, không nên để quạt máy quạt thẳng liên tục vào người trẻ, nhất là lúc trẻ ngủ ban đêm.

2.5. Bù nước và điện giải

Trẻ nên được uống nhiều nước để đàm trong đường hô hấp loãng và dễ tống xuất ra hơn. Có thể cho trẻ uống các chế phẩm bù điện giải để bổ sung điện giải bị mất trong quá trình bệnh.

2.6. Không tự ý dùng kháng sinh

Kháng sinh không cần thiết trong đa số các trường hợp viêm phế quản ở trẻ, lý do là vì nguyên nhân gây bệnh hầu hết là virus, mà loại vi sinh vật này không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh. Một số trường hợp trẻ bị bội nhiễm vi trùng thì mới có chỉ định dùng kháng sinh, và chị định này nên được đưa ra bởi bác sĩ bởi việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm và gây đề kháng kháng sinh.


3. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ

  • Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất ở trẻ, các vắc xin cần thiết như vắc xin ngừa phế cầu, vắc xin ngừa Haemophilus Influenzae,...
  • Giữ môi trường sống của trẻ trong lành, thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng, đồ chơi, bề mặt để tránh nấm mốc phát triển.
  • Hạn chế tuyệt đối sự tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đường hô hấp như bụi, phấn hoa, lông vật nuôi.
  • Tránh để trẻ gặp gỡ tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp.



Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, trong đó có viêm phế quản


Viêm phế quản ở trẻ luôn là một trong những lo lắng của các bậc cha mẹ vì sự phổ biến cũng như khả năng gây nguy hiểm với trẻ. Hy vọng bài viết trên đã giúp ba mẹ vơi đi phần nào những lo lắng đó khi biết và nắm được cách phát hiện, chăm sóc cũng như phòng bệnh cho con.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Acute respiratory infections in children: Case management in small hospitals in developing countries. A Manual for Doctors and other Senior Health Workers. WHO/ARI/ 90.5. (1990). 
  2. Pediatric Infectious Diseases Society and the Infectious Diseases Society of America. The management of community-acquired pneumonia in infants and children older than 3 months of age: clinical practice guidelines by the Pediatric Infectious Diseases Society and the Infectious Diseases Society of America. Clin Infect Dis. 2011 Oct; 53(7): e25-76. Bradley JS, Byington CL, Shah SS et al. 
  3. Pneumologie pédiatrique, Flammarion (2009). De Blic J, Delacourt C.


Powered by Froala Editor