Bệnh tay chân miệng ở trẻ: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chăm sóc ngay tại nhà


Bệnh tay chân miệng là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ em, có nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Biểu hiện bệnh như thế nào và cách chăm sóc tại nhà ra sao? Bài viết dưới dây hy vọng có thể cung cấp các kiến thức cần thiết để ba mẹ có thể chăm sóc và theo dõi con mình khi mắc bệnh.


 Tay chân miệng là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và phổ biến ở trẻ


1. Tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ em

1.1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng ở trẻ là bệnh truyền nhiễm do siêu vi gây ra. Triệu chứng chính của bệnh là sang thương dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như trong miệng, lòng bàn tay bàn chân, mông, đầu gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường hay gặp ở độ tuổi dưới 5. 

1.2. Tác nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ

Siêu vi đường ruột thuốc nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71).

1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh

  • Triệu chứng chính của bệnh là sang thương dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như trong miệng, lòng bàn tay bàn chân, mông, đầu gối:
  • Tổn thương ở miệng: vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2 – 3 mm ở vòm khẩu cái, bên trong má, nướu, lưỡi. 
  • Tổn thương bóng nước ở da: 
  • Vị trí nổi bóng nước: lòng bàn tay bàn chân, gối, mông.
  • Kích thước bóng nước: 2 - 10 mm.
  • Tính chất của bóng nước: hình bầu dục, nổi cộm hay ẩn dưới da, trên nền hồng ban,... không đau, khi bóng nước khô đi để lại vết thâm da, không loét.
  • Các tổn thương có thể không điển hình: trẻ chỉ có loét miệng, tổn thương da rất ít, hay không phải bóng nước mà là dạng chấm, hồng ban. 


 Những vết loét và bóng nước ở vị trí tay, chân và miệng


1.4. Con đường truyền nhiễm

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hoá, khi trẻ dùng tay đã tiếp xúc với dịch tiết, bề mặt chứa virus đưa vào miệng, trẻ sẽ nhiễm bệnh. Trẻ bệnh thải virus ra rất nhiều đường: nước mũi, nước bọt, giọt dịch tiết khi ho, hắt hơi, dịch tiết từ bóng nước vỡ, phân, nước tiểu… các loại chất tiết này dễ bám vào bề mặt đồ vật, dễ gây lây lan cho trẻ khác và bùng lên thành dịch.

1.5. Các mức độ bệnh từ nhẹ đến nặng

Độ 1: trẻ chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da.

Độ 2: 

-    Độ 2a: khi có thêm một trong các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có giật mình 1 lần trong 30 phút.
  • Trẻ sốt trên 2 ngày hoặc sốt trên 39 độ C, nôn ói nhiều, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.


-    Độ 2b: trẻ có thêm dấu hiệu thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2: 

  • Nhóm 1: trẻ có một trong các biểu hiện sau: trẻ giật mình khoảng 2 lần trong 30 phút; ngủ gà ngủ gật; mạch đập nhanh trên 130 lần/phút (khi trẻ không bị sốt, được nằm yên).
  • Nhóm 2: có một trong các biểu hiện sau: Sốt cao khoảng 39 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt; mạch nhanh trên 150 lần/phút (khi trẻ không bị sốt, được nằm yên); trẻ bị run tay/chân, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng; rung giật mắt, lác mắt; yếu liệt tay/chân; nuốt sặc, thay đổi giọng nói;... 


 Bệnh tay chân miệng có thể gây ra những cơn sốt cao nguy hiểm


Độ 3: trẻ có thêm các dấu hiệu sau:

  • Mạch nhanh trên 170 lần/phút (khi trẻ không bị sốt, được nằm yên).
  • Một số trường hợp có thể có mạch chậm (khi xảy ra đây là dấu hiệu rất nặng).
  • Vã mồ hôi lạnh.
  • Huyết áp tăng.
  • Trẻ thở nhanh, có kiểu thở bất thường như: cơn ngừng thở, thở bằng bụng, thở nông, rút lõm ngực, khò khè, thở rít hít vào. 
  • Rối loạn tri giác.
  • Tăng trương lực cơ. 


Độ 4: Trẻ có thêm một trong các dấu hiệu sau: 

  • Sốc.
  • Phù phổi cấp.
  • Tím tái, SpO2 < 92%. 
  • Ngừng thở, thở nấc. 


2. Chăm sóc và theo dõi tại bệnh tay chân miệng ở trẻ

Ba mẹ đặc biệt lưu ý: chỉ có bệnh ở mức độ 1 trẻ mới có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Từ mức độ 2 trở đi, trẻ bắt buộc phải được nhập viện để theo dõi và điều trị.



 Cần lưu ý những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời


- Chăm sóc tại nhà trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ 1:

  • Trẻ cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú mẹ theo nhu cầu.
  • Hạ sốt khi sốt > 38,5 độ C, thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả cho trẻ là Paracetamol, sử dụng liều Paracetamol 10 – 15 mg/kg/lần (uống hay đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ). Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.
  • Vệ sinh răng miệng.
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
  • Cho trẻ đi khám bệnh mỗi 1 - 2 ngày trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải được đưa đi khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.


- Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu: 

  • Sốt cao ≥ 39 độ C.
  • Thở nhanh, khó thở.
  • Trẻ có giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều. 
  • Trẻ đi đứng loạng choạng.
  • Da trẻ nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Trẻ co giật, hôn mê. 


3. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ

  • Tập cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn.
  • Người chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt). 
  • Không được cho trẻ cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.
  • Cho trẻ ăn chín uống sôi
  • Thường xuyên vệ sinh, lau rửa các vật dụng, đồ chơi của trẻ, lau sàn nhà bằng hoá chất diệt khuẩn.
  • Cách ly trẻ bị bệnh trong tuần đầu tiên của bệnh.


 Giữ gìn vệ sinh cơ thể và không gian sống để giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ


Tay chân miệng ở trẻ là căn bệnh nguy hiểm dễ gây biến chứng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, chăm sóc, theo dõi và xử trí kịp thời. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh, cách phát hiện, chăm sóc và theo dõi trẻ khi mắc bệnh cũng như cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. WHO (2011). A Guide to clinical management and public health response for hand, foot and mouth disease.
  2. Mark JA (2016). “Non-Polio Enterovirus”, in Nelson Textbook of Pediatrics. Elsevỉe, 20th ed, pp.1561-1568.


Powered by Froala Editor