Trẻ bị sốt mọc răng: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí


Sốt mọc răng là tình trạng rất thường gặp ở trẻ đến độ tuổi mọc răng, và thường làm các bậc cha mẹ lo lắng do không biết cơn sốt đó có thực sự do răng mọc hay do nguyên nhân khác. Vậy làm cách nào để nhận biết và cách xử trí sốt mọc răng? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm những kiến thức về vấn đề đó cho ba mẹ.


Sốt mọc răng là tình trạng mà bất cứ em bé nào cũng phải trải qua khi phát triển


1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt mọc răng

1.1. Độ tuổi trẻ bắt đầu mọc răng

Trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên lúc 6 đến 10 tháng tuổi, khởi đầu bằng 2 chiếc răng cửa hàm dưới, rồi đến 2 chiếc răng cửa hàm trên và tiếp tục đến khi đạt đủ 20 chiếc răng sữa với 10 răng mỗi hàm vào lúc khoảng 3 - 4 tuổi. Tuy nhiên vẫn có một số trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên sớm hơn, thậm chí ở tháng thứ 3 hoặc chậm hơn ở tháng thứ 10 -  tháng 12. Ba mẹ cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này. 

1.2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt mọc răng

1.2.1. Dấu hiệu của cơn sốt

Cơn sốt mọc răng diễn ra khi răng sắp nhú ra khỏi nướu. Sốt mọc răng thường sốt nhẹ, khoảng 37,5 - 38 độ C, hiếm khi sốt cao trên 38,5 độ C. Sốt thường không kéo dài quá 1 - 2 ngày, nếu sốt trên 38,5 độ hoặc sốt kéo dài từ 3 ngày trở lên, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.

1.2.2. Dấu hiệu trẻ bắt đầu mọc răng

Trẻ bắt đầu mọc răng thường có những dấu hiệu báo trước như hay chảy nước dãi, hay gặm đồ vật do răng đang mọc lên sẽ kích thích nướu, trẻ có cảm giác ngứa nướu và nước dãi chảy nhiều. Cơn sốt có thể đến khi răng xé nướu nhô lên. Trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc, khó ngủ, lười ăn hơn bình thường.


Sốt, chán ăn, quấy khóc, cắn đồ vật... là những biểu hiện thường gặp khi trẻ mọc răng


1.3. Phân biệt sốt mọc răng và sốt thông thường ở trẻ

Sốt mọc răng thường sốt nhẹ, hiếm khi sốt cao trên 38,5 độ C, không kéo dài quá 2 ngày và thường không kèm các triệu chứng ở cơ quan khác như đau họng, họng đỏ, ho, sổ mũi… Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, sốt kéo dài từ trở lên 3 ngày, sốt kèm các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, ho, chấm xuất huyết trên da, bóng nước lòng bàn tay bàn chân, bóng nước trên người, nổi ban… nên nghĩ đến nguyên nhân khác gây sốt, ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.


2. Cách xử trí khi trẻ bị sốt mọc răng

2.1. Hạ sốt cho trẻ

Sốt mọc răng thường chỉ sốt nhẹ, nên cách hạ sốt thông thường là để thoáng, cho trẻ mặc quần áo mỏng, không đắp chăn mền, lau mát hạ sốt, uống nhiều nước. Tuy nhiên một số trường hợp trẻ sốt từ 38 độ C trở lên sau khi loại trừ các nguyên nhân gây sốt khác, hoặc khi trẻ quấy khóc, khó chịu vì đau do răng mọc, có thể xem xét cho trẻ uống thuốc giảm đau hạ sốt. Thuốc vừa hạ sốt vừa có tác dụng giảm đau an toàn cho trẻ hiện nay là Paracetamol. Sử dụng với liều 10 - 15 mg/kg một lần, mỗi ngày tối đa 4 lần.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả giảm đau hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10  -  60 phút.


Chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cao trên 38,5 độ C


2.2. Xử trí cơn đau ở nướu

Mọc răng thường sẽ gây đau, ngứa và khó chịu cho nướu, ba mẹ có thể dùng một số loại đồ để gặm bằng silicon mềm có bán trên thị trường, rửa sạch và cho bé gặm để giảm cảm giác khó chịu ở nướu. Hoặc có thể dùng khăn gạc mềm, thấm nước sạch và để riêng một khu vực trong ngăn mát tủ lạnh, sau đó đem ra cho bé gặm để giảm sưng và đau vùng nướu răng đang mọc.

2.3. Bù nước và khoáng

Trẻ mọc răng sẽ dễ bị mất nước do sốt và chảy nhiều nước dãi, cũng như do việc khó ăn uống. Do đó ba mẹ cần chú ý bù đủ nước và khoáng cho con bằng cách tăng cường cho con bú sữa, uống nước, bù nước điện giải bằng oresol,…

2.4. Cho trẻ ăn loãng hơn hoặc tăng cường bú mẹ

Như đã nói ở trên, trẻ mọc răng dễ bị mất nước nên phải được bù nước bằng tăng cường bú mẹ nếu ở trong độ tuổi bú sữa mẹ. Mặt khác mọc răng sẽ khiến trẻ đau và khó chịu vùng nướu, khiến trẻ khó ăn hơn nên cần được ăn thức ăn loãng hơn để trẻ dễ nhai nuốt.

2.5. Trường hợp nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, sốt kéo dài từ 3 ngày trở lên, sốt kèm các triệu chứng khác như đau họng, sổ mũi, ho, chấm xuất huyết trên da, bóng nước lòng bàn tay bàn chân, bóng nước trên người, nổi ban… nên nghĩ đến nguyên nhân khác gây sốt, ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.


Đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường


3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ trong thời kỳ mọc răng

3.1. Giúp trẻ vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng rất quan trọng trong thời kì này để giúp trẻ tránh viêm nhiễm lúc răng mọc. Đối với trẻ nhỏ, ba mẹ có thể dùng khăn hoặc gạc mềm thấm nước sạch và nhẹ nhàng rơ miệng trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, ba mẹ nên hướng dẫn và kiên trì tập cho trẻ thói quen đánh răng, khởi đầu bằng bàn chải lông mềm loại dành riêng cho các bé.

3.2. Lau nước dãi sạch sẽ cho trẻ

Ngoài việc vệ sinh khoang miệng và nướu, việc lau sạch nước dãi cho trẻ cũng quan trọng không kém để tránh tình trạng viêm nhiễm vùng miệng, viêm da kích ứng vùng da quanh miệng và cổ trẻ. Ba mẹ nên dùng khăn gạc mềm thấm khô và lau sạch nước dãi thường xuyên.

3.3. Tránh để trẻ cắn đồ chơi hoặc cắn tay

Tránh để trẻ ăn phải đồ chơi cứng, sắc cạnh vì có thể làm tổn thương vùng nướu đang mọc răng vốn đang nhạy cảm, chưa kể đến việc đồ chơi không sạch có thể gây nhiễm trùng vùng nướu đó. Việc cắn tay cũng tương tự, tay và móng tay trẻ vốn chứa nhiều chất bẩn và vi trùng, việc trẻ vô thức căn tay do ngứa nướu sẽ dễ làm tổn thương và bội nhiễm vùng nướu đang mọc răng.

Ba mẹ có thể tìm mua một số vật dụng chuyên để cho các bé gặm được làm từ silicon mềm trên thị trường, rửa sạch, tiệt trùng và cho bé gặm để giảm cảm giác kích thích khó chịu từ nướu răng.


Tránh để trẻ cắn tay hay đồ vật bẩn


3.4. Sử dụng bánh ăn dặm cho trẻ

Ba mẹ có thể cho bé dùng bánh ăn dặm, là loại bánh được sản xuất với tính chất tự tan trong miệng bé, không gây kích ứng đến nướu và răng, tránh sự khó chịu khi phải nhai thức ăn.

3.5. Tuyệt đối không dùng cồn hoặc gel chà xát lên nướu của trẻ

Ba mẹ chú ý tuyệt đối không dùng cồn, gel hay chất nào khác để chà xát lên nướu của trẻ, việc làm này không những không giúp trẻ bớt đau mà thậm chí còn có hại hơn, dễ gây kích ứng vùng nướu đang nhạy cảm và gây ngộ độc cho trẻ khi nuốt phải những chất này.

Sốt mọc răng vẫn sẽ luôn là mối quan tâm và gây không ít bối rối cho các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có bé đầu tiên. Bài viết trên hy vọng đã giúp được ba mẹ biết được thời điểm răng mọc, dấu hiệu nhận ra cơn sốt mọc răng và cách xử trí chúng.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. UK NHS. Baby teething symptoms. Available at: http://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pages/teething-and-tooth-care.aspx
  2. Better health, Victoria State Government. Teeth development in children. Available at: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/teeth-development-in-children
  3. UK NHS. Looking after your baby's teeth. Available at: http://www.nhs.uk/conditions/pregnancy-and-baby/pages/looking-after-your-infants-teeth.aspx


Powered by Froala Editor