Những biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị sốt cao co giật, cách xử trí và phòng ngừa


Sốt cao co giật là tình trạng nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời và đúng cách. Đây cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của các bậc cha mẹ có con từng bị sốt co giật mỗi khi cơn sốt kéo tới. Vậy sốt cao co giật là gì, cách xử trí và phòng ngừa như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm kiến thức về tình trạng này.


Co giật khi sốt cao có nguy hiểm không là thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ


1. Sốt cao co giật ở trẻ là tình trạng gì?

1.1. Định nghĩa

Theo sự đồng thuận của các chuyên gia trên thế giới, sốt co giật là tình trạng co giật ở trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi khi trẻ sốt > 38oC, với điều kiện là tất cả những cơn co giật trước đó của trẻ đều xảy ra ở tình trạng sốt > 38oC và tình trạng co giật không thể giải thích bởi những nguyên nhân khác như: trẻ đang bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trẻ bị bệnh rối loạn chuyển hoá, trẻ có vấn đề về phát triển tâm thần vận động, động kinh,…

1.2. Phân loại và biểu hiện

Sốt cao co giật có thể được chia thành 2 dạng:

-    Co giật do sốt đơn thuần:

  • Cơn giật toàn thể 
  • Cơn giật kéo dài dưới 15 phút 
  • Chỉ có 1 cơn giật trong 24 giờ


-    Co giật do sốt phức tạp:

  • Cơn giật cục bộ 
  • Cơn giật kéo dài trên 15 phút QUAN H MỐI TƯƠNG 
  • Có ≥ 2 cơn giật trong 24 giờ 


1.3. Yếu tố nguy cơ dẫn

1.3.1. Các bệnh nhiễm trùng

  • Tại Mỹ, người ta ghi nhận 2/3 số trẻ sốt cao co giật dưới 2 tuổi có nhiễm Humman Herpes Virus-6.
  • Tại châu Âu: khoảng 1/3 các trường hợp sốt cao co giật nhiễm Humman Herpes Virus-6; còn lại ghi nhận nhiễm các virus khác như Adenovirus, RSV, HSV; Humman Herpes Virus-7.
  • Nhiễm Humman Herpes Virus-6 có liên quan đến tăng tỷ lệ nhóm sốt cao co giật phức hợp, tỷ lệ tái phát cơn và trạng thái co giật khi sốt. 


1.3.2. Tiêm chủng

  • Có 25 - 34 trẻ/100000 trẻ tiêm phòng mũi phối hợp sởi, quai bị, rubella bị sốt cao co giật, tỷ lệ mắc cao nhất sau tiêm 7 - 14 ngày. 
  • Có 6 - 9 trẻ/100000 trẻ tiêm phòng mũi phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván bị sốt cao co giật, tỷ lệ mắc cao nhất trong ngày tiêm phòng. 
  • Tiêm mũi phối hợp (bạch hầu, ho gà, uốn ván với thủy đậu) có nguy cơ bị sốt cao co giật cao hơn so với tiêm riêng mũi thủy đậu.
  • Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi tiêm các loại vacxin phối hợp có chứa vacxin sởi có nguy cơ bị sốt cao co giật thấp hơn nhóm trẻ 16 - 23 tháng tuổi.


 Sốt do tiêm chủng cũng có thể gây nên cơn co giật


1.3.3. Di truyền từ cha mẹ, yếu tố gia đình

  • 25% trẻ bị sốt cao co giật có bố hoặc mẹ hoặc có cả bố và mẹ từng bị tình trạng này (so với nhóm trẻ không có yếu tố trên là 5%).
  • Những gia đình có bố hoặc mẹ hoặc có cả bố mẹ bị sốt cao co giật thì 11% sinh con nguy cơ bị tình trạng này.
  • Trẻ có anh chị em bị sốt cao co giật thì nguy cơ mắc là 22%. 
  • Trẻ có cả bố mẹ và anh chị em bị sốt cao co giật thì nguy cơ mắc là 46%.
  • Nhóm trẻ có mẹ bị sốt cao co giật nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhóm trẻ có bố bị. 


1.3.4. Mẹ nghiện thuốc lá trong thời kỳ mang thai

Những bà mẹ hút ≥ 10 điếu thuốc lá/ngày trong thời kỳ mang thai thì sinh con có nguy cơ cao bị co giật lúc nhiệt độ cơn sốt lên trên 38 độ (cà phê và rượu không phải yếu tố nguy cơ). 


 Sốt cao co giật ở trẻ cũng có liên quan đến việc sản phụ hút nhiều thuốc thời kỳ mang thai


1.3.5. Sang chấn sản khoa lúc sinh nở

Có 17% trẻ có tiền sử sang chấn sản khoa và ngạt lúc sinh bị sốt cao co giật (tổng hợp 19 nghiên cứu hồi cứu trên 3427 bệnh nhân).

1.3.6. Các yếu tố khác

Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, trẻ bị suy dinh dưỡng lúc còn là bào thai cũng là những yếu tố nguy cơ gây co giật khi sốt cao.

1.4. Sốt cao co giật có nguy hiểm không? Có gây di chứng thần kinh về sau không?

Tình trạng co giật khi sốt cao bản thân nó được xem là lành tính và không ảnh hưởng đến thần kinh trẻ, tuy nhiên nó có thể gây nguy hiểm ở thời điểm trẻ bị co giật nếu trẻ bị té ngã chấn thương hoặc ba mẹ xử trí không đúng cách, sử dụng các biện pháp sai lầm (giữ chặt trẻ, chặn miệng trẻ bằng đồ vật, vắt chanh vào miệng trẻ,…).

Hiện tượng co giật đơn thuần không gây di chứng thần kinh hay động kinh về sau. Ở các trẻ có xuất hiện động kinh sau đó, tình trạng này không được xem là nguyên nhân gây ra. Ở những trẻ xuất hiện cơn co giật do sốt trước 1 tuổi hoặc gia đình có người co giật do sốt, nguy cơ xuất hiện cơn co giật không do sốt khoảng 2-5%, cao hơn một chút so với tỷ lệ chung là 2%.


2. Các bước sơ cứu nhanh khi trẻ bị sốt cao co giật

2.1. Khai thông đường thở cho trẻ

Đây là bước xử trí đầu tiên và cực kỳ quan trọng, quyết định đến an toàn của trẻ. Ba mẹ phải bình tĩnh đặt trẻ nằm ở nơi rộng rãi, chắc chắn, an toàn, nghiêng đầu hoặc nghiêng cả người trẻ sang một bên để tất cả nước dãi, chất nôn của trẻ có thể đi ra ngoài dễ dàng mà không bị trẻ hít lại vào đường hô hấp gây sặc và viêm phổi hít. Tuyệt đối không cố cạy miệng trẻ, không đưa bất kỳ thứ gì hay nhỏ chất gì vào miệng trẻ sẽ gây chấn thương cũng như khiến trẻ hít sặc rất nguy hiểm.

2.2. Hạ sốt bằng viên đặt hậu môn

Tình trạng co giật sẽ khiến trẻ không thể uống thuốc hạ sốt được, do vậy ba mẹ có thể hạ sốt bằng viên thuốc đặt hậu môn. Thuốc hạ sốt an toàn trong tình huống này là Paracetamol, sử dụng với liều 10 - 15 mg/kg mỗi , có thể lặp lại 1 liều sau đó 4-6 giờ nếu trẻ còn sốt.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị co giật hay nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.


 Nên sử dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ đang bị co giật để phòng tránh tai biến


2.3. Lau mát hạ sốt 

Trong khi đợi tác dụng của thuốc hạ sốt, ba mẹ có thể lau mát để hạ sốt con con. Sử dụng một khăn mềm thấm nước, nhúng vào thau nước ấm vừa đủ, vắt nước và lau khắp người trẻ, một số khăn khác thì thấm nước ấm, vắt nước rồi đắp ở một số vị trí như nách và bẹn để nhanh chóng hạ nhiệt.

2.4. Đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu ngay sau khi sơ cứu

Sau khi trẻ được sơ cứu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xử trí và theo dõi kịp thời. Bởi tình trạng co giật có thể kéo dài và nhiều căn bệnh nguy hiểm có thể tiềm ẩn đằng sau cơn co giật của trẻ mà ba mẹ không thể lường hết được.


3. Những điều cần lưu ý khi trẻ bị sốt cao co giật

3.1. Không giữ chặt, chống lại cơn co giật của trẻ

Không được giữ chặt hay cố gắng chống lại cơn co giật của trẻ. Việc làm này có thể dẫn đến chấn thương ở trẻ.

3.2. Không dùng vật cứng hoặc ngón tay chặn miệng trẻ

Không được cố gắng cạy miệng trẻ, dùng vật cứng, ngón tay chặn miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì những động tác này rất nguy hiểm, có thể gây chấn thương cho trẻ lẫn người chăm sóc.

3.3. Không quấn chặt, ủ kín trẻ

Không quấn chặt, ủ kín trẻ khi trẻ sốt vì sẽ làm nhiệt không thể thoát ra, làm giảm hiệu quả hạ sốt và nguy cơ tái diễn cơn co giật.

3.4. Ghi nhận thời gian và triệu chứng co giật để cung cấp cho bác sĩ

Nếu được, ba mẹ nên dùng điện thoại thông minh hoặc thiết bị điện tử có thể quay phim được quay lại tình trạng co giật của trẻ. Hoặc có thể ghi nhận lại thời gian co giật, nhiệt độ lúc đó, kiểu co giật (co giật toàn bộ, co giật 1 phần cơ thể,…). Đây là những thông tin rất giá trị giúp các bác sĩ nhận diện, xử trí, đánh giá và tiên lượng tình trạng của trẻ.

3.5. Bù nước và điện giải cho trẻ sau cơn co giật

 Sốt nói chung và sốt co giật nói riêng khiến trẻ mất nhiều nước và điện giải, ba mẹ nên chủ động bù nước và điện giải cho con sau khi hết cơn co giật bằng cách tăng cường bú mẹ, uống bù nước, sử dụng oresol…


 Bù nước và điện giải cho trẻ sau cơn sốt


4. Biện pháp phòng ngừa tình trạng sốt cao co giật ở trẻ

Ba mẹ có thể phòng ngừa tình trạng sốt cao co giật cho trẻ bằng các biện pháp hạ sốt như lau mát hạ sốt, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao, tránh để trẻ sốt cao trên 38,5oC kéo dài. Đặc biệt lưu ý ở những trẻ có tiền căn hoặc có các yếu tố nguy cơ như có người thân trong gia đình từng bị co giật khi sốt cao, nên được xem xét hạ sốt sớm hơn khi bắt đầu sốt. Ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trong những trường hợp này để biết cách hạ sốt đúng cách cho con.

Sốt cao co giật không hiếm gặp, vẫn luôn là nỗi lo của các bậc cha mẹ mỗi khi con mình sốt cao. Hiểu và nắm bắt được cách nhận biết, xử trí cũng như phòng ngừa nó sẽ giúp ba mẹ yên tâm hơn đồng hành cùng con trong quá trình vượt qua bệnh tật.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Natsume J, Hamano SI, Iyoda K, et al. New guidelines for management of febrile seizures in Japan. Brain Dev 2017; 39:2. 
  2. Wilmshurst JM, Gaillard WD, Vinayan KP, et al. Summary of recommendations for the management of infantile seizures: Task Force Report for the ILAE Commission of Pediatrics. Epilepsia 2015; 56:1185. 
  3. Van Esch A. Steverberg EW, van Duijn CH, et al. Prediction of febrile seizures in siblings: a practical approach. Eur J Pediatr. 157(4):340-4.
  4. Doose H, Maurer A. Seizure risk in offspring of individuals with a history of febrile convulsions. Eur J Pediatr. 156(6):476-81. 
  5. Chẩn đoán và điều trị co giật do sốt – TS.BS. Đỗ Thanh Hương, BM Nhi, Đại học Y Hà Nội.


Powered by Froala Editor