Đau đầu ở trẻ em có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị


Đau đầu là triệu chứng phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn hiện diện ở trẻ em. Vậy đau đầu ở trẻ em có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.


 Tình trạng đau đầu ở trẻ em xảy ra ngày càng phổ biến


1. Phân loại đau đầu ở trẻ em

Đau đầu ở trẻ em được phân loại thành đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.

    Đau đầu nguyên phát: Không có nguyên nhân cụ thể rõ ràng, có thể gặp ở nhiều tình huống như căng thẳng tâm lý, áp lực bài vở, lo lắng quá mức,…

    Đau đầu thứ phát: thường là dấu hiệu hoặc đi sau một số bệnh lý, chấn thương, nhiễm trùng,…


2. Đau đầu ở trẻ em có thể là biểu hiện của những bệnh lý nào?

2.1. Các bệnh cảm/sốt

Các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang đều có thể là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em. Các bệnh lý này đa số do virus gây ra. Sau 1 - 2 ngày xâm nhập cơ thể trẻ, virus bắt đầu khiến trẻ xuất hiện những triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ăn kém, ho, đau họng, chảy mũi, buồn nôn, đau tai và đau đầu.

Phần lớn trẻ có sức đề kháng tốt, có thể tự khỏi bệnh, hết sốt sau khoảng 3 - 5 ngày và tình trạng ho, mệt mỏi, đau đầu sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, một số ít có thể dẫn đến biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

2.2. Bệnh đau nửa đầu

Hay còn gọi là chứng đau đầu migraine, thường có tính chất gia đình. Cơn đau đầu migraine thường kéo dài kèm buồn nôn hay nôn. Tính chất đau có thể là đau nhói hoặc đau theo nhịp đập, vị trí ở 1 hoặc cả 2 bên trước đầu, lặp lại nhiều lần. Đứa trẻ có thể cảm giác trước được cơn đau sắp xảy ra. Đứa trẻ thường thích ở trong nơi tối và yên tĩnh, sợ âm thanh và ánh sáng. Nếu trẻ bị đau đầu migraine thì cần được khám và đưa ra kế hoạch điều trị bởi bác sĩ.


 Đau nửa đầu là một trong những dạng phổ biến nhất của đau đầu


2.3. Bệnh ở hệ thần kinh trung ương

Các bệnh ở hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não có triệu chứng rất trung thành là đau đầu bên cạnh các triệu chứng sốt, cứng cổ (trẻ lớn), thóp phồng (trẻ nhỏ), nôn ói. Cơn đau đầu có thể rất dữ dội kèm triệu chứng nôn vọt, thay đổi ý thức hoặc co giật. Khi gặp đau đầu có tính chất hay kèm những triệu chứng như trên, ba mẹ nên lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

2.4. Chấn thương đầu

Các trẻ thường hiếu động nên dễ gặp tai nạn sinh hoạt liên quan đến chấn thương đầu. Đa số các va chạm này xảy ra ở mức độ nhẹ và không ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ. Chỉ một số trường hợp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ có thể kêu đau đầu và kèm theo buồn nôn hoặc nôn trong vài tiếng đồng hồ đầu tiên sau tai nạn. Nhưng nếu cơn đau đầu kéo dài hơn một ngày, đau ngày càng tăng và gây thay đổi tri giác (trẻ không tỉnh táo, lơ mơ, phản xạ chậm, thậm chí hôn mê), kèm các triệu chứng như co giật, nôn ói tất cả mọi thứ thì nên ba mẹ nên đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

2.5. Bệnh về mắt

Đau đầu ở trẻ em có thể do một số tật ở mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời bằng kính thuốc, hoặc được đeo kính thuốc không đúng độ. Những điều này làm mắt trẻ phải điều tiết nhiều, có thể gây ra đau đầu. Một số bệnh do viêm nhiễm mắt cũng như các cấu trúc xung quanh cũng có thể gây đau đầu như viêm kết mạc, viêm tuyến lệ,...


 Những bệnh về mắt cũng có thể gây nên những cơn đau đầu ở trẻ em


2.6. Bệnh về răng miệng

Đau đầu ở trẻ cũng có thể liên quan đến vấn đề về răng miệng. Hầu hết các trẻ đều ít nhiều gặp các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nha chu… Nếu sâu răng ở mức độ nặng gây tổn thương đến phần tuỷ răng sẽ có thể xuất hiện những cơn đau đầu đi theo các cơn đau ở răng và xương hàm. Triệu chứng đau đầu chỉ có thể giải quyết khi vấn đề về răng miệng được giải quyết triệt để.


3. Những yếu tố ngoài bệnh lý là nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ em

3.1. Tác động của thay đổi thời tiết

Một số trẻ có thể bị đau đầu do thay đổi thời tiết. Các yếu tố của môi trường bên ngoài có thể kích hoạt cơn đau đầu ở trẻ bao gồm: nhiệt độ (quá nóng hoặc quá lạnh), độ ẩm, mưa, nắng, bụi,… Những cơn đau đầu do thời tiết khắc nghiệt có thể là phản ứng phòng vệ bản năng của một số trẻ có cơ thể nhạy cảm, như một tín hiệu báo trước để trẻ tìm đến môi trường có điều kiện thời tiết thuận lợi hơn nhằm tránh những cơn đau đầu xuất hiện.

3.2. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất kích thích

Trà, sôcôla, cà phê,… là những thực phẩm chứa nhiều chất kích thích, không tốt cho cơ thể và hệ thần kinh còn non nớt của trẻ. Một số gia đình có thói quen cho con trẻ sử dụng những thực phẩm này có thể sẽ ghi nhận việc trẻ than đau đầu sau khi sử dụng mức độ nhiều và thường xuyên các thực phẩm dạng này. Tốt nhất không nên tập cho trẻ sử dụng những thực phẩm này từ sớm.

3.3. Ngộ độc

Trẻ ở lứa tuổi hiếu kỳ muốn tìm tòi khám phá mọi thứ nên dễ uống hay ăn nhầm các hoá  chất độc hại rất nguy hiểm (bả chuột, bả chó,…). Bất kì khi nào thấy trẻ đột ngột đau đầu dữ dội kèm nôn ói, tím tái, vật vã bứt rứt kèm vỏ có chứa chất lạ gần đó, ba mẹ nên lập tức đưa trẻ đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

3.4. Sử dụng thiết bị điện tử quá lâu

Sử dụng thiết bị điện tử quá lâu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mắt và hệ thống thần kinh còn non nớt của trẻ, gây các triệu chứng như: đau đầu, mỏi mắt, nhìn mờ, nhìn đôi,… Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em không nên tiếp xúc các loại màn hình điện tử như: điện thoại, tivi, máy vi tính quá 1 giờ mỗi ngày, nếu không sẽ gây những hậu quả tiêu cực lâu dài lên mắt và thần kinh của trẻ.


Bức xạ từ các thiết bị điện tử làm ảnh hưởng đến mắt và thần kinh, gây nên cơn đau đầu


3.5. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ kéo dài cũng có thể gây nên những cơn đau đầu ở trẻ em. Thiếu ngủ sẽ gây tác hại về mọi mặt: trẻ lờ đờ, phản ứng chậm, kém tập trung, học tập không hiệu quả, thường xuyên xuất hiện những cơn đau đầu. Nặng nề hơn là việc thiếu ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất cũng như tâm lý của trẻ: trẻ chậm tăng chiều cao, cơ thể phát triển kém do thiếu các yếu tố tăng trưởng tiết ra trong giấc ngủ, trẻ dễ cáu bẳn,… Thế nên, giấc ngủ đủ và chất lượng là điều cực kỳ quan trọng đối với trẻ em.


4. Cách chăm sóc, điều trị và phòng ngừa tình trạng đau đầu ở trẻ em

4.1. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc

Như đã nói ở trên, giấc ngủ đủ rất quan trọng với trẻ. Thiếu ngủ không chỉ gây tác động nhất thời như đau đầu hay kém tập trung, mà còn gây hậu quả về lâu dài trên sự phát triển của trẻ. Thế nên cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc là cực kỳ quan trọng để tránh những cơn đau đầu cũng như những hậu quả về sau. Trẻ nhỏ cần được ngủ ít nhất 12 - 14 tiếng và trẻ lớn cần ngủ ít nhất 8 - 10 tiếng mỗi ngày.


Giấc ngủ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ


4.2. Bổ sung nước và chất dinh dưỡng đầy đủ

Nước và các chất dinh dưỡng cũng rất quan trọng để đảm bảo sự vận hành của cơ thể, đặc biệt là hệ thống thần kinh và mạch máu, giúp hạn chế những cơn đau đầu. Trẻ cần được uống đủ nước và ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm cần thiết, chú ý bổ sung rau xanh, trái cây vốn chứa nhiều các vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể trẻ.

4.3. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ

Chú ý tránh các tình huống gây căng thẳng cho trẻ, hạn chế tối đa việc lạm dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy vi tính của trẻ vốn có thể gây căng thẳng cho mắt và hệ thần kinh trẻ, gây nên những cơn đau đầu.

Ba mẹ nên có kế hoạch học tập hợp lý cho trẻ, xen kẽ giữa việc học và chơi, không nên gây áp lực thành tích quá lớn có thể gây nên các cơn đau đầu vô căn ở trẻ

4.4. Sử dụng thuốc giảm đau 

Một biện pháp tình thế có thể giảm cơn đau đầu tức thời ở trẻ là sử dụng thuốc giảm đau. Hiện nay thuốc giảm đau được xem là an toàn và có thể sử dụng tại nhà cho trẻ là Paracetamol. Ba mẹ có thể sử dụng với liều 10 - 15 mg/kg mỗi lần, không quá 60 mg/kg mỗi ngày. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng chỉ sau từ 10  -  60 phút.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc giảm đau với trẻ. Nếu trẻ vẫn đau đầu kéo dài hoặc có thêm các triệu chứng bất thường, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được phát hiện và xử trí kịp thời.

Vậy, trường hợp nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ? Đó là khi trẻ có các triệu chứng sau:

    Đau đầu dữ dội, kéo dài.

    Đau đầu kèm nôn ói.

    Đau đầu kèm thay đổi tri giác: lơ mơ, hôn mê…

    Đau đầu kèm động kinh, co giật.

    Đau đầu kèm thay đổi tính khí: cáu gắt, la hét.

    Đau đầu kèm giảm thị lực.

Tóm lại, đau đầu ở trẻ rất đa dạng về biểu hiện cũng như gây ra bới rất nhiều nguyên nhân. Nắm được những nguyên nhân, bệnh lý hay yếu tố ngoại cảnh nào có thể gây đau đầu cho trẻ cũng như cách chăm sóc và phòng tránh đau đầu cho trẻ là cách tốt nhất giúp ba mẹ có thể cùng con vượt qua cơn đau.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. National Headache Foundation, “Children's Headache Disorders”, accessed on 11 April 2020.
  2. https://www.uptodate.com.contents/headache-in-children-beyond-the-basics


Powered by Froala Editor