Cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt dễ dàng, không bị nôn trớ


Cho trẻ uống thuốc luôn là thử thách của không ít các bậc cha mẹ. Vậy cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt thế nào cho dễ dàng thuận lợi, trẻ không bị nôn trớ? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp ba mẹ giải quyết vấn đề này.


Cho trẻ uống thuốc đôi khi là một thử thách đối với các bậc ba mẹ


1. Vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt lại hay bị nôn trớ?

1.1. Hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện chức năng

Cơ thể trẻ là một tổng thể chưa hoàn thiện, đang lớn lên và hoàn chỉnh các chức năng, hệ tiêu hoá là một phần trong số đó. Một số trẻ có hệ tiêu hoá nhạy cảm dễ bị nôn trớ khi đưa một thức ăn lạ hay đặc biệt là một loại thuốc lạ vào trong cơ thể, và hậu quả là trẻ dễ bị nôn trớ.

1.2. Vị đắng của thuốc

Đa số các thuốc dành cho trẻ em đã được các nhà sản xuất dùng rất nhiều cách để tránh vị đắng gây khó uống. Tuy nhiên do đặc tính của một số chất và rào cản kỹ thuật, một số loại thuốc vẫn có vị đắng nhất định. Trẻ em lại thường nhạy với vị này và phản ứng mạnh theo bản năng nên các em dễ nôn trớ khi uống các thuốc đắng.

1.3. Yếu tố tâm lý

Lần đầu tiên uống thuốc đối với trẻ rất quan trọng. Nếu như vì một yếu tố nào đó trong lần uống thuốc này gây cho trẻ ác cảm (thuốc đắng, khó nuốt, mùi vị lạ, bị ép uống, sặc, nôn ói…), trẻ sẽ có phản ứng tâm lý bất lợi với những lần uống thuốc sau và dễ nôn trớ dù thuốc lần sau có thể không đắng và dễ uống.


 Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến việc uống thuốc của trẻ nhỏ


1.4. Cho trẻ uống thuốc sai cách

Cho trẻ uống sai cách cũng là một nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nôn trớ. Một số ba mẹ do lúng túng vì lần đầu cho con uống thuốc, thay vì cho bơm thuốc (bằng xi lanh) từ từ vào thành miệng trẻ thì lại bơm thẳng vào họng trẻ dễ khiến trẻ có phản xạ sặc, nôn trớ.

1.5. Trẻ dị ứng với thành phần của thuốc

Một số trẻ có cơ địa đặc biệt dị ứng thuốc, khi uống phải thuốc gây dị ứng cơ thể trẻ sẽ phản ứng dữ dội, ngoài việc nổi mẩn đỏ trên da thì hệ tiêu hoá còn phản ứng bằng cách co thắt cơ tiêu hoá gây nôn trớ. Đây là tình huống hết sức nguy hiểm, khi gặp phải ba mẹ cần ngừng ngay thuốc đang uống và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

1.6. Tư thế chưa phù hợp

Tư thế cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ bị nôn trớ khi uống thuốc. Uống thuốc trong tư thế nằm không thích hợp hay vị trí đầu cổ không đúng sẽ dễ làm trẻ sặc cũng như nôn.

1.7. Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, gây tình trạng trào ngược

Trẻ không hợp tác, quấy khóc khi uống thuốc sẽ làm việc cho uống thuốc rất khó khăn, ba mẹ rất khó đưa thuốc đúng cách vào miệng trẻ và trẻ rất dễ sặc dẫn đến nôn trớ.

1.8. Cổ họng bị viêm

Cổ họng viêm sẽ làm trẻ đau, khó chịu và nhạy cảm hơn với những thứ được đưa vào qua đường miệng. Một số sẽ bị kích ứng dữ dội khi uống thuốc trong tình trạng cổ họng viêm và gây ra nôn trớ.


2. Cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt không bị nôn trớ

2.1. Vệ sinh tay và dụng cụ cho trẻ uống thuốc

Vệ sinh tay và dụng cụ cho trẻ uống thuốc là việc nên làm, không chỉ giúp tránh việc đưa vi sinh vật có hại vào người trẻ mà còn giúp trẻ tránh bị nôn trớ thuốc do mùi vị lạ từ bàn tay người cho uống và dụng cụ uống thuốc.

2.2. Tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi uống thuốc

Việc tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trước khi uống thuốc rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy bên cạnh mùi vị của thuốc, tâm lý sợ hãi của trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây phản ứng nôn trớ của trẻ. Ba mẹ hãy tạo một không khí vui vẻ thoải mái, khiến trẻ vui và thư giãn khi chuẩn bị cho trẻ uống thuốc. Đối với trẻ lớn hơn có thể hiểu được, ba mẹ hãy giải thích và cố gắng đạt được sự đồng thuận của con trước khi cho trẻ uống thuốc. Hãy khích lệ, khen ngợi khi trẻ uống được thuốc để tạo sự hứng khởi và vui vẻ cho trẻ.


 Tâm lý thoải mái sẽ giúp trẻ dễ tiếp nhận việc uống thuốc hơn, hạn chế nôn trớ


2.3. Nghiền nhỏ thuốc cho trẻ dễ uống

Đối với các thuốc dạng viên cứng, hầu hết có thể nghiền nhỏ được. Do một số thuốc có ít dạng bào chế không thể cho uống nguyên viên hoặc bẻ đôi, hoặc viên thuốc quá lớn khiến trẻ sợ hãi và khó nuốt, ba mẹ có thể nghiền nhỏ viên thuốc để chia cữ uống phù hợp, đúng liều lượng và khiến trẻ dễ uống hơn. Tuy nhiên ba mẹ lưu ý không phải loại thuốc nào cũng có thể nghiền nhỏ được, đặc biệt là các thuốc chứa trong viên con nhộng hay viên nang, ba mẹ không được mở hoặc phá vỡ lớp vỏ ngoài của thuốc ra vì sẽ làm mất tác dụng của thuốc khi đi vào đường tiêu hoá.

2.4. Kết hợp với các loại thức uống có mùi vị dễ chịu

Một số loại thuốc có thể pha được với các loại thức uống có mùi dễ chịu như sữa, nước trái cây… để trẻ dễ uống hơn. Tuy nhiên ba mẹ cần đặc biệt cẩn trọng với phương pháp này, vì một số thuốc có thể phản ứng với các thành phần có trong sữa (canxi) hay nước trái cây (axit). Mặc khác, trẻ có khứu giác và vị giác rất nhạy cảm, bất cứ một thay đổi nào dù nhỏ trong sữa khi pha thuốc vào có thể sẽ khiến trẻ nhận ra và sợ hãi dẫn đến bỏ sữa. Tốt nhất ba mẹ nên đọc kĩ hướng dẫn về cách uống thuốc của nhà sản xuất và tham khảo bác sĩ về khả năng pha uống với thức uống khác, cũng như thăm dò phản ứng của trẻ khi cho uống thuốc bằng cách này.

2.5. Sử dụng thuốc hạ sốt dạng bột sủi hoặc viên đặt hậu môn

Một trong những cách khiến trẻ dễ uống thuốc hơn là sử dụng thuốc dạng bột sủi để sủi với nước tạo thành dung dịch dễ uống. Các thuốc dạng này dành cho trẻ em thường được nhà sản xuất cố gắng khử hết mùi vị lạ và thêm vào vị ngọt cũng như hương dâu, sô cô la,… để các bé dễ uống hơn. Đặc biệt một số chế phẩm có thể pha được vào sữa hay nước trái cây yêu thích của trẻ, điều này có ý nghĩa lớn trong việc cho trẻ uống thuốc vì sẽ không khiến trẻ nghĩ rằng đang uống thuốc mà chỉ là đang uống những thức uống thông thường.

Riêng với thuốc hạ sốt Paracetamol (là loại thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả với trẻ được ưu tiên dùng khi trẻ sốt), có một phương án để đưa thuốc vào cơ thể trẻ khi chúng ta đã thử mọi cách mà trẻ vẫn nôn trớ khi uống, đó là sử dụng dạng viên đạn đặt hậu môn. Dạng thuốc này được hấp thụ tốt qua niêm mạc trực tràng nên cũng có hiệu quả hạ sốt tương đương dạng uống.

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.

Sử dụng viên đạn đặt hậu môn thay cho thuốc đường uống


2.6. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Đây là việc làm hết sức quan trọng mỗi khi ba mẹ có ý định cho trẻ uống thuốc, nhất là uống một loại thuốc mới. Mỗi loại thuốc, mỗi dạng chế phẩm thuốc sẽ có một cách uống khác nhau đã được các nhà sản xuất nghiên cứu kỹ và khuyến cáo. Ba mẹ không nên tự ý pha chế thành dạng khác hoặc thử nghiệm cách uống khác vì có thể gây giảm tác dụng của thuốc cũng như gây sự khó chịu cho trẻ và gây nôn trớ khi uống thuốc.

2.7. Thay đổi tư thế uống thuốc của trẻ

Tốt nhất nên cho trẻ uống thuốc ở tư thế bú sữa hoặc tư thế ngồi để tránh việc trẻ bị sặc và nôn trớ. Khi ngồi có thể cho trẻ đầu hơi ngửa, nghiêng mặt một chút rồi đút thuốc cho trẻ một cách từ từ và từng chút một, việc này sẽ khiến trẻ dễ uống và tránh nguy cơ bị sặc cũng như nôn trớ hơn.

2.8. Dạy dần cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc uống thuốc

Đối với những trẻ lớn hơn một chút đã bắt đầu hiểu được, cách tốt nhất để trẻ hợp tác uống thuốc là ba mẹ hãy kiên trì giải thích, dạy cho trẻ biết tầm quan trọng của việc uống thuốc cũng như động viên trẻ uống thuốc. Một số cách động viên như “ Uống thuốc sẽ giúp con mau khoẻ lại, khi đó con có thể ra ngoài chơi cùng bạn bè hoặc ba mẹ sẽ dẫn con đi chơi” hay “Uống thuốc sẽ giúp con khỏe như siêu nhân, đánh bại quái vật là lũ vi trùng đáng ghét” có thể giúp trẻ dễ dàng hợp tác uống thuốc hơn. Như đã nói, cách tốt nhất để có thể cho trẻ uống thuốc một cách dễ dàng, tránh nôn trớ là đạt được sự đồng thuận của trẻ.


Tập cho trẻ thói quen chủ động uống thuốc là cách cho trẻ uống thuốc bền vững nhất


3. Sau khi trẻ nôn trớ, có nên cho trẻ uống thuốc lại không?

Đây là câu hỏi rất thường gặp của nhiều bậc cha mẹ. Thực tế việc trẻ nôn trớ sau khi uống thuốc không phải là hiếm, tuy nhiên xử trí như thế nào sau khi trẻ nôn luôn khiến ba mẹ bối rối. Việc có nên uống lại thuốc khi trẻ nôn trớ sau uống thuốc phụ thuộc nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố quan trọng nhất là thời gian từ lúc trẻ uống thuốc đến lúc trẻ nôn trớ, cụ thể như sau:

  • Nếu trẻ nôn trớ trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc hoặc thuốc còn nguyên vẹn (thuốc viên) thì ba mẹ có thể cho trẻ uống lại 1 liều tương tự. Do khi này thì thuốc vẫn chưa được phân giải và hấp thụ vào cơ thể trẻ.
  • Nếu trẻ nôn trớ sau khi uống thuốc từ 15 đến 60 phút: nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về khả năng cho uống lại, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Một số loại thuốc có thể uống lại để đảm bảo khả năng điều trị nếu nguy cơ tác dụng phụ và quá liều thấp hơn nguy cơ bệnh diễn tiến nặng. Nhưng các loại thuốc khác lại không nên uống lại vì có thể gây quá liều và ngộ độc ở trẻ.
  • Trẻ nôn trớ sau khi uống thuốc hơn 60 phút: không nên cho trẻ uống lại thuốc.
  • Việc cho trẻ uống thuốc chưa bao giờ là dễ dàng và thuận lợi, vẫn luôn là mối quan tâm to lớn của các bậc cha mẹ. Biết được những nguyên nhân gây cho trẻ khó uống thuốc và dễ nôn trớ, cũng như cách cho trẻ uống thuốc hiệu quả sẽ giúp ba mẹ hỗ trợ con vượt qua được những giai đoạn bệnh tật khó khăn.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. [1] Kendrick, J. G., Ma, K., Dezorzi, P., & Hamilton, D. (2012). Vomiting of oral medications by pediatric patients: survey of medication redosing practices. The Canadian journal of hospital pharmacy, 65(3), 196–201. https://doi.org/10.4212/cjhp.v65i3.1142
  2. [2] Can Pharm Lett (2020). Evaluate Whether to Redose Meds After Vomiting.  [cited 2021 July14].Availablefrom:https://pharmacist.therapeuticresearch.com/Content/Articles/PL/2020/Feb/Evaluate-Whether-to-Redose-Meds-After-Vomiting (subscription required to access content)


Powered by Froala Editor