Phân biệt các loại bệnh sốt thường gặp ở trẻ em và cách xử lý


Sốt là một trong những triệu chứng bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, khiến các bậc cha mẹ phải đối mặt và xử lý không ít lần. Vậy sốt là gì? Có những loại bệnh sốt nào trẻ hay gặp phải? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ cung cấp một số kiến thức về các loại bệnh sốt thường gặp để cha mẹ tham khảo.


1. Bệnh sốt là gì?


 Sốt là một trong những loại bệnh rất thường gặp ở trẻ


Sốt là triệu chứng thường xuyên gặp phải ở trẻ em, được định nghĩa khi nhiệt độ cơ thể trẻ đo được ở trán hay nách lớn hơn 37,5oC. Về bản chất, sốt là một phản ứng sinh lý có lợi khi trẻ bị nhiễm khuẩn, vì sốt làm tăng khả năng tiêu diệt vi khuẩn, tăng hoạt động đề kháng của cơ thể và làm giảm lượng sắt tự do trong máu khiến vi khuẩn khó sinh sôi. Tuy nhiên, sốt cao có thể gây rối loạn hoạt động chuyển hóa, gây mất nước, khiến trẻ mệt mỏi và có khả năng xuất hiện cơn co giật khi thân nhiệt của trẻ quá cao. Vì vậy ta cần hạ sốt cho trẻ khi sốt cao để tránh những hậu quả không mong muốn.


2. Bệnh sốt là gì? Phân biệt các loại bệnh sốt thường gặp ở trẻ em và cách xử lý

    Sốt siêu vi: 

Trẻ biểu hiện sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, một số trường hợp có thể chỉ sốt về chiều hoặc đêm, kèm theo đó trẻ có thể có các triệu chứng khác như ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc, đau nhức người ... Bệnh diễn tiến 7-10 ngày và có thể tự giới hạn, tuy nhiên một số trường hợp trẻ sốt cao liên tục và kéo dài hơn 3 ngày, hoặc xuất hiện những dấu hiệu nặng thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và xử trí thích hợp.

    Sốt mọc răng: 

Sốt do mọc răng thường sốt nhẹ trong khoảng 1 – 2 ngày, thường đi kèm những dấu hiệu chuẩn bị mọc răng khác như: trẻ chảy nhiều dãi, hay kéo tai, có biểu hiện thích gặm, nướu có hiện tượng đỏ, sưng… Trong khoảng thời gian này, ba mẹ không cần quá lo lắng nhưng vẫn cần theo dõi thường xuyên để tránh trường hợp sốt quá cao hoặc sốt do nguyên nhân khác.


Mọc răng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị sốt


    Sốt viêm họng/ viêm amidan: 

Sốt kèm họng đỏ, đau họng và ho, amidan sưng đỏ, có thể kèm viêm kết mạc, viêm nướu… Đa số nguyên nhân là do virus, các tác nhân chủ yếu là Adenovirus, Herpes simplex virus, Enterovirus hay Epstein Barr virus. Viêm họng dạng này thường diễn tiến nhẹ, từ từ và tự giới hạn, ba mẹ chỉ cần chăm sóc tốt, hạ sốt khi cần và theo dõi những dấu hiệu nặng để đưa bé đi khám. 

Một dạng viêm họng nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng với trẻ là viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A (group A streptococcus). Bệnh khởi phát rất nhanh, với đau họng rõ và sốt. Nhức đầu, đau bụng và ói cũng rất thường gặp. Khi kiểm tra họng bé ba mẹ có thể thấy họng đỏ, amidan to bao phủ bởi các chất vàng hoặc xám hoặc trắng, có lẫn tia máu, có những điểm chảy máu nhỏ ở họng, lưỡi gà sưng đỏ, lưỡi có bề mặt như bề mặt trái dâu,… Khi gặp các triệu chứng này, ba mẹ tốt nhất nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ có thể thăm khám và điều trị phù hợp, do bệnh có thể diễn tiến và gây nhiều biến chứng nặng với trẻ.

    Sốt phát ban:

Sốt phát ban là tình trạng trẻ bị sốt sau đó phát ban trên da dạng hồng ban nổi ở nhiều vị trí trên cơ thể. Hầu hết nguyên nhân là do nhiễm virus, trong đó các tác nhân virus đường hô hấp luôn chiếm phần lớn, bao gồm virus sởi, Rubella, Adeno, nhóm Enterovirus… Do đó trẻ có thể bị sốt phát ban nhiều lần do nhiều tác nhân khác nhau. Sốt phát ban do virus Sởi và virus gây bệnh Rubella là 2 tác nhân thường gặp. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh Rubella còn được gọi là ban đào.

Biểu hiện chung của trẻ bị sốt phát ban: Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 7 ngày, trẻ sốt nhẹ (37,5oC - 38oC) hoặc có thể sốt cao (39oC - 40oC) tùy theo từng cá thể và tác nhân gây bệnh, khi giảm sốt sẽ xuất hiện ban trên người với tính chất phát ban tùy thuộc vào từng bệnh. Ba mẹ nên chăm sóc và theo dõi bé thật kỹ, hạ sốt nếu sốt cao và nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

    Sốt xuất huyết:

Bệnh do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Bệnh diễn ra qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu xảy ra từ 1-3 ngày đầu của bệnh, trẻ sẽ xuất hiện sốt cao đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt trẻ ửng đỏ, họng đỏ nhưng không đau, có thể có xuất huyết da niêm. Trẻ cảm thấy nhức mỏi toàn thân, đau cơ, đau khớp, đau đầu, một vài trường hợp có thể xuất hiện đau bụng, buồn nôn và nôn. 

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt so với những ngày đầu. Triệu chứng xuất huyết rõ hơn và có thể dẫn đến xuất huyết nặng. Trẻ có thể biểu hiện xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn ở trẻ lớn…


 Các nốt xuất huyết dưới da trẻ khi bị sốt xuất huyết


Khi trẻ có những biểu hiện sau, ba mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, tay chân lạnh, da lạnh ẩm (khi không sốt), đau bụng nhiều: đau bụng nhiều ở vùng bụng phải (dưới xương sườn), nôn ói nhiều, tiểu ít.

Nếu vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ bước đến giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này, tổng trạng trẻ được cải thiện, cảm giác ăn ngon miệng hơn, các triệu chứng về đường tiêu hoá mất đi, trẻ có thể đi tiểu nhiều do tái hấp thu nước.

    Sốt cảm cúm: 

Một trong các loại sốt phổ biến hiện nay ở trẻ em là sốt cảm cúm. Đây là bệnh do virus cúm gây ra, thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của cảm cúm sẽ nặng hơn. Sau 1-2 ngày xâm nhập cơ thể trẻ, virus cúm bắt đầu khiến trẻ xuất hiện những triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ăn kém, ho, đau họng, chảy mũi, buồn nôn, đau tai và có thể tiêu chảy.


Bệnh cảm cúm rất thường xảy ra ở trẻ trong thời tiết giao mùa


Phần lớn trẻ có sức đề kháng tốt, có thể tự khỏi bệnh cúm, hết sốt sau khoảng 5 ngày và tình trạng ho, mệt mỏi sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, một số ít có thể dẫn đến biến chứng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

    Sốt sau tiêm vaccine: 

Sau tiêm vaccine một số trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, đau và sưng nơi tiêm. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi tiếp nhận vaccine. Sốt sau tiêm thường nhẹ – khoảng 38 độ C – và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Ba mẹ không nên quá lo lắng, tiếp tục theo dõi tình trạng của con. Nếu con vẫn sốt kéo dài hay xuất hiện triệu chứng khác nên đưa con đến khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.


3. Biện pháp phòng ngừa các loại bệnh sốt


Tiêm ngừa vacxin đầy đủ để phòng ngừa các loại bệnh sốt cho trẻ


-    Tiêm vacxin đầy đủ vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân nhiễm trùng có thể gây nên các loại bệnh sốt.

-    Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi. 

-    Dạy trẻ cố gắng tránh dùng tay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, vì đây là những cách chính mà virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.

-    Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh, vì hệ đề kháng của trẻ còn yếu rất dễ bị nhiễm bệnh từ người xung quanh.

-    Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đang tồn tại dịch bệnh.

-    Cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng và đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

-   Luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. 

Sốt là một trong những triệu chứng bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ em. Phân biệt được các loại bệnh sốt, nguyên nhân và cách xử trí sốt ở trẻ sẽ giúp cha mẹ yên tâm hơn trên bước đường đồng hành cùng con khôn lớn.



NGUỒN THAM KHẢO:

1.  Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.

2.  Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s Principles of Internal Medicine. McGraw-Hill

    Education, 19th ed.

3. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, 

    Philadelphia, 20th ed.



Powered by Froala Editor