Những lưu ý quan trọng về cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ


Hiện nay việc sử dụng thuốc hạ sốt cho con vốn không hề xa lạ với các bậc cha mẹ. Thế nhưng không phải ba mẹ nào cũng biết cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ một cách khoa học và đúng đắn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về các loại thuốc hạ sốt ở trẻ em và cách dùng chúng, hy vọng sẽ giúp ích cho ba mẹ trong công cuộc đồng hành cùng con vượt qua những thời điểm khó khăn.


Cần tìm hiểu rõ để có cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ chính xác và hiệu quả


1. Tổng quan về thuốc hạ sốt

1.1. Các loại thuốc hạ sốt

    Nhóm thuốc Aspirin: 

Aspirin (tên gọi khác: Acid Acetylsalicylic) là một thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm, chống kết tập tiểu cầu, đã được dân gian sử dụng làm thuốc từ thời cổ xưa. Ở thời hiện đại, chúng được tổng hợp và đưa vào sử dụng lần đầu vào những năm cuối thế kỷ 19. Ngày nay, chúng được sử dụng đa số ở người lớn để giảm đau, kháng viêm trong các bệnh lý về viêm khớp hay chống đông trong các bệnh lý về tim mạch… Hiện Aspirin không được dùng cho trẻ em với mục đích hạ sốt vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đối với trẻ.

    Nhóm thuốc Ibuprofen: 

Ibuprofen phát hiện và được cấp bằng sáng chế năm 1961, thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), giúp giảm các yếu tố gây viêm, đồng thời giúp giảm sưng, giảm đau và hạ sốt. Ibuprofen có thể sử dụng để hạ sốt cho trẻ em nhưng phải có chỉ định của bác sĩ do thuốc có một số chống chỉ định đặc biệt và có tác dụng phụ không mong muốn.

    Nhóm thuốc Paracetamol:

Paracetamol hay Acetaminophen, APAP (tên được chấp nhận tại Hoa Kỳ) là một thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt, được tổng hợp thành công vào cuối thế kỉ 19 và được sử dụng rộng rãi để giảm đau hạ sốt vào những năm giữa thế kỉ 20. Khác với một số thuốc giảm đau khác như Aspirin hay Ibuprofen, Paracetamol không có hoặc có rất ít tác dụng kháng viêm. Khi sử dụng Paracetamol trong điều trị, thuốc hầu như không gây tác động đến tim mạch và hô hấp, không ảnh hưởng đến thăng bằng nội môi trong cơ thể, cũng không gây kích ứng hay biến chứng chảy máu. Đây là loại thuốc hạ sốt hiệu quả, an toàn, phổ biến và ít tác dụng phụ nhất có thể sử dụng để hạ sốt cho trẻ em, được các bác sĩ Nhi khoa khuyên dùng.


Cấu tạo hoá học của Paracetamol


1.2. Các dạng thuốc hạ sốt:

    Dạng bột sủi: 

Là chế phẩm dạng bột đóng trong từng gói nhỏ tùy hàm lượng. Dạng này được chế tạo hướng tới đối tượng sử dụng là trẻ em nên cũng có mùi vị phù hợp với trẻ. Với nhiều bé, việc uống thuốc khá khó khăn do tâm lý sợ nuốt thuốc dạng viên, hoặc họng bé bị đau do viêm, hay trường hợp bé dễ nôn ói do bệnh, thì thuốc dạng bột sủi sẽ trở nên rất phù hợp do được uống ở dạng lỏng, dễ uống và dễ hấp thu. Cách sử dụng thuốc dạng này cũng rất tiện lợi, khi trẻ sốt chỉ cần pha thuốc với nước sôi để nguội là có thể cho trẻ uống.


Thuốc hạ sốt dạng bột sủi rất thích hợp để sử dụng cho trẻ em


Đặc biệt, hiện nay trên thị trường còn có loại Paracetamol dạng gói bột sủi nhập khẩu từ Pháp, có thể pha với cả sữa và nước trái cây, điều này là một thuận lợi lớn với việc cho trẻ uống thuốc vì mỗi trẻ có mỗi khẩu vị khác nhau, khi được uống loại thức uống quen thuộc hay ưa thích trẻ sẽ dễ hợp tác hơn. Hiệu quả hạ sốt của loại này cũng khá nhanh vì Paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 phút – 60 phút. 

Cuối cùng, dạng gói bột sủi còn cho phép chúng ta chia liều một cách dễ dàng cho trẻ vì được sản xuất ở nhiều hàm lượng khác nhau dành cho trẻ em (80mg, 150mg, 250mg)

    Dạng viên đạn (viên hạ sốt đặt hậu môn): 

Dạng này thường được sử dụng trong trường hợp trẻ sốt kèm theo nôn ói nhiều không thể thuốc uống được, sốt cao co giật hay khi trẻ ngủ sâu ba mẹ không muốn đánh thức. Tác dụng hạ sốt thường chậm hơn dạng uống (gói bột hoặc siro) khoảng 15 – 20 phút. Nếu nhà có trẻ em nhỏ dưới 6 tuổi nên dự trữ dạng viên đặt này trong tủ lạnh, đề phòng trẻ sốt cao co giật.

Dạng này được bào chế với 3 hàm lượng là 80mg, 150mg và 300mg.

    Dạng Sirô: 

Dễ sử dụng cho trẻ, có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi hơn và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự như với loại hạ sốt dạng gói bột. Tuy nhiên Sirô lại khó bảo quản hơn vì thường đóng gói trong chai, khi đã mở nắp thì phải bảo quản ở nơi thích hợp và có thời hạn sử dụng ngắn. Ngoài ra việc chia liều siro cũng phức tạp do ba mẹ phải rất cẩn thận để đong đúng lượng thuốc con cần.

    Dạng viên nén: 

Là dạng chế phẩm phổ biến trên thị trường. Thuốc thường được điều chế thành viên nén cứng đặt trong vỉ. Tuy nhiên loại chế phẩm này thường được sử dụng cho người lớn hoặc trẻ lớn hơn là trẻ nhỏ vì: hàm lượng lớn thường vượt quá liều lượng thuốc quy định cho trẻ nhỏ, và cũng rất khó chia ra do viên nén khó bẻ cũng như không thể bẻ chính xác viên thuốc theo ý muốn. Mặt khác, viên nén to thường sẽ tạo cảm giác sợ hãi cho trẻ nến sẽ khó để trẻ hợp tác uống như các dạng còn lại.

    Dạng viên sủi: 

Là dạng chế phẩm đường uống, có khả năng giúp cơ thể hấp thu thuốc nhanh hơn so với các dạng viên nén, bao phim do thuốc đã được hòa tan trước khi uống (dạng viên nén/bao phim phải đi vào cơ thể rồi mới tan ra). Dạng này dễ sử dụng và dễ uống. Tuy nhiên lại khó sử dụng cho trẻ em vì thường được sản xuất ở dạng viên hàm lượng lớn 500mg và khó chia liều cho phù hợp cân nặng của trẻ nhỏ.


Thuốc hạ sốt dạng viên sủi có khả năng hạ sốt nhanh và sử dụng rất tiện lợi


2. Cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ:

- Chỉ định dùng thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt. 

- Trường hợp khẩn cấp chưa có chỉ định bác sĩ,  loại thuốc nên ưu tiên sử dụng là Paracetamol. Đây là loại thuốc phổ biến, dễ tìm, giá cả phù hợp, và quan trọng hơn hết là an toàn với trẻ, ít gây kích ứng, dị ứng cũng như ít có tác dụng phụ nguy hiểm như các loại thuốc hạ sốt khác.

- Lựa chọn liều lượng thuốc phù hợp: Thuốc hạ sốt Paracetamol có liều lượng sử dụng tuỳ thuộc vào số cân nặng của trẻ, liều lượng thông thường là từ 10-15 mg trên mỗi kg cân nặng cho 1 cữ thuốc. Tối đa 60 mg/kg một ngày. Mỗi cữ thuốc phải cách nhau tối thiểu 4-6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt trên 38,5 độ C, mỗi ngày có thể uống tối đa 4 cữ thuốc.

- Lựa chọn dạng thuốc phù hợp với khả năng sử dụng của trẻ: Nên ưu tiên sử dụng dạng thuốc đường uống trước. Nếu có thể nên sử dụng dạng thuốc dạng bột sủi có thể hoà tan trong nước hoặc các thức uống ưa thích của trẻ như sữa hay nước trái cây, điều này sẽ khiến việc cho bé uống thuốc trở nên dễ dàng hơn, thuốc hấp thu nhanh và hiệu quả hơn. Dạng viên đặt hậu môn chỉ nên sử dụng khi không thể cho trẻ uống bằng đường miệng trong các trường hợp: trẻ nôn ói bất cứ thứ gì được ăn hoặc uống, trẻ sốt cao co giật hay trong trường hợp trẻ đang ngủ say không tiện đánh thức trẻ dậy.


3. Những lưu ý quan trọng về cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ:

    Cần có chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi: 

Đây là lứa tuổi nhạy cảm, đặc biệt là trẻ sơ sinh trong giai đoạn 3 tháng đầu đời. Ở khoảng thời gian này, sốt thường liên quan đến những bệnh lý nhiễm trùng có khả năng diễn tiến nặng và nhanh ở trẻ. Mặt khác, chức năng các cơ quan, đặc biệt là chức năng gan thận của trẻ chưa hoàn thiện, có thể dễ bị tổn thương nếu sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách hoặc quá liều. Nếu có triệu chứng sốt, tốt nhất ba mẹ nên đưa con đi khám ở cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ Nhi khoa về cách dùng thuốc nếu chưa thể đưa con đi khám ngay được.


Cần có ý kiến của bác sĩ khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh


    Không tự ý tăng liều lượng thuốc hoặc rút thời gian giữa 2 lần uống thuốc: 

Thuốc hạ sốt ở trẻ, cụ thể là Paracetamol, cần một thời gian nhất định để có thể hạ nhiệt độ cơ thể của trẻ xuống. Thời gian thông thường cho việc này có thể từ 15-30 phút đến thậm chí 1-2 giờ sau uống. Thế nên ba mẹ không nên tự ý cho con uống thêm thuốc vào thời điểm này nếu con vẫn còn sốt, phải đảm bảo 2 cữ thuốc cách nhau tối thiểu 4-6 tiếng đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, ba mẹ có thể hỗ trợ thêm giúp con hạ sốt bằng cách lau mát, cho con uống nhiều nước.

    Không tự ý dùng Aspirin hoặc Ibuprofen điều trị sốt cho trẻ: 

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc Aspirin hoặc Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ. Aspirin hiện nay được khuyến cáo không sử dụng hạ sốt cho trẻ em vì những tác dụng phụ nguy hiểm. Trường hợp trẻ đang bị nhiễm cúm hay đang bị thủy đậu mà dùng Aspirin hạ sốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye (gây tổn thương não và gan cấp) - một biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Ibuprofen là một thuốc hạ sốt có tác dụng tương đối mạnh, tuy nhiên muốn sử dụng ở trẻ em bắt buộc phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Do thuốc này có thể gây dị ứng, kích ứng ở những trẻ cơ địa dị ứng với các thành phần của thuốc, trẻ bị hen suyễn… cũng như gây biến chứng xuất huyết ở những trẻ mắc sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hoá, loét dạ dày,…

    Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng của thuốc:

Thuốc hạ sốt, đặc biệt là Paracetamol hiện nay rất phổ biến và dễ tìm. Do nhu cầu lớn về loại thuốc này nên đã xuất hiện không ít thuốc bị làm nhái hoặc hết hạn sử dụng được đưa ra thị trường tiêu thụ. Ba mẹ nên sử dụng những sản phẩm thuốc hạ sốt có uy tín lâu năm và mua thuốc tại những nhà thuốc lớn. Nên kiểm tra kỹ xuất xứ nguồn gốc cũng như hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thuốc.

Quyết định dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi trẻ bị sốt không khó. Nhưng khó là làm sao dùng thuốc cho đúng để thuốc có tác dụng tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn cho con, đó mới là vấn đề các bậc cha mẹ cần lưu tâm. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho ba mẹ những hướng dẫn cơ bản nhất về cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ để có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn bệnh khó khăn.



NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
  2. Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s Principles of Internal Medicine. McGraw-Hill Education, 19th ed.
  3. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.

Powered by Froala Editor