Các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa và cách phòng tránh


Mùa mưa là thời gian xảy ra nhiều căn bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa với những thay đổi về độ ẩm, nhiệt độ, các yếu tố môi trường xung quanh khiến các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh và hệ đề kháng của trẻ suy yếu. Vậy các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa là gì? Cách phòng tránh như thế nào? Bài viết dưới đây hy vọng có thể cung cấp những kiến thức cơ bản giúp các bậc cha mẹ hiểu được những điều này.


1. Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi đường ruột thuộc nhóm Coxsackievirus và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao vào tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.


Bệnh tay chân miệng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ


Biểu hiện chính của bệnh là sang thương da niêm dưới dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như: miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.

Do đặc tính là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, bệnh thường bùng phát mạnh ở những môi trường tập trung như: nhà trẻ, trường học hay nơi sinh hoạt tập thể. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh bao gồm cả vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường xung quanh trẻ: thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu là người chăm sóc trẻ: cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ, rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng, khử trùng bằng cloramin B 5%, đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho, cách ly trẻ bị bệnh tại nhà trong tuần đầu tiên của bệnh (ít nhất 7 ngày –10 ngày). Tránh các tiếp xúc thân mật với trẻ bị bệnh, không dùng chung dụng cụ ăn uống và dụng cụ vệ sinh. 


2. Sốt xuất huyết

Mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi. Do đó, các bệnh do muỗi truyền sẽ phát triển, và ở trẻ em thì đáng chú ý hơn cả là bệnh sốt xuất huyết.

Muỗi Aedes aegypti mang virus Dengue là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Bệnh diễn ra qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu xảy ra từ 1-3 ngày đầu của bệnh, trẻ sẽ xuất hiện sốt cao đột ngột, liên tục, sốt không ớn lạnh, mặt trẻ ửng đỏ, họng đỏ nhưng không đau, có thể có xuất huyết da niêm. Trẻ cảm thấy nhức mỏi toàn thân, đau cơ, đau khớp, đau đầu, một vài trường hợp có thể xuất hiện đau bụng, buồn nôn và nôn.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Trẻ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt so với những ngày đầu. Triệu chứng xuất huyết rõ hơn và có thể dẫn đến 

xuất huyết nặng. Trẻ có thể biểu hiện xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn ở trẻ lớn…

Khi trẻ có những biểu hiện sau, ba mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, tay chân lạnh, da lạnh ẩm (khi không sốt), đau bụng nhiều: đau bụng nhiều ở vùng bụng phải (dưới xương sườn), nôn ói nhiều, tiểu ít.

Nếu vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ bước đến giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này, tổng trạng trẻ được cải thiện, cảm giác ăn ngon miệng hơn, các triệu chứng về đường tiêu hoá mất đi, trẻ có thể đi tiểu nhiều do tái hấp thu nước.

Phòng tránh bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là các biện pháp tiêu diệt trung gian truyền bệnh: diệt lăng quăng, diệt muỗi, dọn dẹp những vật dụng tù đọng nước, phát quang bụi rậm,… và phòng tránh muỗi đốt: ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi…


3. Các loại bệnh về hô hấp

Viêm hô hấp trên: 

Viêm hô hấp trên là từ chỉ chung cho các bệnh: viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang,… là nhóm bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh thường tăng nhiều vào giai đoạn chuyển mùa và mùa mưa do các yếu tố về thời tiết khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Bệnh chủ yếu gây ra bởi các siêu vi như Influenza, Parainfluenza, Adeno, Rhino, Entero, Corona…một số khác gây ra bởi các vi khuẩn như: phế cầu, liên cầu trùng nhóm A… Bệnh biểu hiện đa dạng với các triệu chứng: sốt, ho, chảy mũi, hắt xì, họng đỏ đau, đau nhức cơ thể,… Đa số diễn tiến tương đối nhẹ và có thể tự giới hạn, tuy nhiên ba mẹ vẫn cần chăm sóc và theo dõi kỹ tình trạng bệnh của các con, nếu thấy các triệu chứng ngày càng nặng hơn, có các dấu hiệu nặng hoặc thấy không yên tâm nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.


Mùa mưa là thời điểm trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp


Viêm tiểu phế quản:

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh viêm đường hô hấp dưới do virus ở trẻ em. Ở xứ nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa mưa. Thường gặp nhất ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt ở độ tuổi từ 2 tháng đến 6 tháng. Bệnh khởi phát ban đầu với các triệu chứng hô hấp trên và nhiễm siêu vi như sốt, ho, chảy mũi, sau đó đến viêm đường hô hấp dưới với biểu hiện khò khè, khó thở, thở co lõm ngực, trẻ kích thích, quấy khóc, bú kém. Ba mẹ cần lưu ý các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời (thở nhanh, thở không đều, có cơn ngừng thở, tím, tái xanh, bứt rứt, kích thích…).

Để phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ về đường hô hấp ở trẻ nói chung, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa và mùa mưa, ba mẹ cần lưu ý:

- Vệ sinh mũi họng bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) đúng cách.

- Giữ ấm cổ, ngực cho bé khi ngủ.

- Rửa tay bằng xà phòng cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.

- Vệ sinh sạch và sát trùng vật dụng, đồ chơi, đồ gặm nướu... của bé.

- Hạn chế đưa bé đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh.

- Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài.

- Tiêm phòng vaccine cúm cho trẻ hàng năm (trẻ từ 6 tháng trở lên).


4. Các loại bệnh ngoài da


Thời tiết nóng ẩm môi trường ô nhiễm dễ gây nên các bệnh lý về da ở trẻ


Khi mùa mưa đến đường phố sẽ dễ bị ngập lụt, nhất là ở những thành phố lớn. Điều đó dẫn đến nguy cơ xuất hiện các bệnh ngoài da ở trẻ em do các bé hiếu động, thích tắm mưa hoặc do bất đắc dĩ phải lội bộ qua vùng ngập lụt, ngâm chân dưới nước dơ. Các bệnh ngoài da thường gặp vào mùa mưa ở các bé có thể kể đến như nước ăn chân, viêm nang lông, mụn mủ trên da, viêm ké,…

Để phòng tránh các bệnh này, biện pháp tốt nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc với nước mưa bẩn, nước ngập, khi đi ra ngoài mùa mưa ở những vùng hay bị ngập nên trang bị cho trẻ ủng chống nước. Khi đi bên ngoài về nếu chân lỡ ngâm nước dơ nên rửa chân lại bằng xà phòng, lau khô, vệ sinh giày dép,…


5. Cách phòng tránh chung các bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa mưa


 Tiêm vacxin đầy đủ là cách tốt nhất để phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ


- Tiêm vacxin đầy đủ giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân nhiễm khuẩn có thể phòng ngừa gây các bệnh thường gặp ở trẻ .

- Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi. 

- Dạy trẻ cố gắng tránh dùng tay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, vì đây là những cách chính mà virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh, vì hệ đề kháng của trẻ còn yếu rất dễ bị nhiễm bệnh từ người xung quanh.

- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đang tồn tại dịch bệnh.

- Diệt lăng quăng, diệt muỗi, dọn dẹp những vật dụng tù đọng nước, phát quang bụi rậm,… và phòng tránh muỗi đốt: ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi…

- Cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng và đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

- Luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả nhất hiện nay đối với trẻ em là Paracetamol. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. 



NGUỒN THAM KHẢO:

  1.  Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
  2.  WHO (2009). Dengue: Guidelines for Diagnosis, Treatment, Prevention and Control: New Edition. WHO, Geneva
  3.  WHO (2011). A Guide to clinical management and public health response for hand, foot and mouth disease.Gabriel GH, Thomas PG (2016).“Diagnostic Approach to Respiratory Disease '', in Nelson Textbook of Pediatrics. Elsevier, 20th ed, pp.1993-1999.


Powered by Froala Editor