Các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non, cách chăm sóc và phòng ngừa


Lứa tuổi mầm non luôn là lứa tuổi nhạy cảm. Lần đầu tiếp xúc với môi trường trường học, tập trung đông, các bé sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ về mặt tâm lý cũng như đối mặt với những nguy cơ bệnh tật. Vậy, các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non là gì? Cách chăm sóc và phòng ngừa thế nào?


Hiểu về các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non để có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa


1. Đặc điểm thể chất và tâm - sinh lý của trẻ mầm non

1.1. Về thể chất

Về cân nặng: Mỗi năm trẻ có thể tăng đến 2kg, đến 6 tuổi cân nặng trung bình từ 18kg - 20 kg.

Về chiều cao: Chiều cao mỗi tháng từ 1cm - 1,5cm , đến 6 tuổi trẻ cao từ 105cm – 115cm.

Về hệ tiêu hóa: Hệ tiêu hóa trẻ lúc này đã hoàn thiện nhưng cũng tránh một số thức ăn nhạy cảm dễ làm kích thích dạ dày như đồ ăn cay hoặc đồ quá nóng. 

Về các vận động của trẻ:

Vận động của trẻ giai đoạn này gần như đã hoàn chỉnh. Trẻ 5 tuổi trở đi có thể vận động toàn thân hoặc làm các động tác như chơi đá cầu, leo trèo.

Các ngón tay có thể hoạt động tự do, động tác nhanh nhẹn và hoàn chỉnh, nên trẻ có thể cầm bút viết hay vẽ tốt.

1.2. Về tâm - sinh lý

Sự phát triển nhận thức:

Sự phát triển về hoạt động nhận cảm làm cho cảm giác của trẻ về màu sắc, hình dạng, kích thước, trọng lượng, âm thanh… ngày càng trở nên chính xác, giúp trẻ định hướng không gian, thời gian tốt hơn; vốn hiểu biết về thế giới xung quanh ngày càng trở nên phong phú

Tư duy logic của trẻ ngày càng phát triển, trí tưởng tượng của trẻ ngày càng phong phú, trẻ tích cực sử dụng các kí hiệu, đồ vật để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sự phát triển đời sống tình cảm:

Đời sống tình cảm của trẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và phong phú hơn.Trẻ thèm khát sự yêu thương và rất sợ sự thờ ơ lạnh nhạt của những người xung quanh. Trẻ có xu hướng tích cực thể hiện tình cảm: yêu thương, quý trọng người thân, bạn bè,….

Tình cảm của trẻ còn được thể hiện qua thái độ của trẻ đối với  vật nuôi, đồ dùng, đồ chơi và gắn chúng với những sắc thái tình cảm của con người.


2. Các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non mà cha mẹ cần chú ý

2.1. Cảm - sốt do siêu vi

Trẻ thường sốt 2 - 3 ngày, sốt có thể liên tục hoặc ngắt quãng. Trẻ có các triệu chứng về hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi. Trẻ có thể biếng ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc... Sốt siêu vi ở trẻ có thể kéo dài 7 đến 10 ngày và tự khỏi. Tuy nhiên khi trẻ có các biểu hiện nặng hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày thì ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.

Cách điều trị và chăm sóc khi trẻ bị sốt siêu vi:

  • Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng, cởi bớt quần áo và không ủ trẻ.
  • Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên để có phương án xử trí phù hợp.
  • Khi sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng cách và đúng liều lượng (10-15mg/kg/lần, cách 4-6 tiếng 1 lần, tối đa 4 lần 1 ngày). Một trong những loại thuốc hạ sốt an toàn và có hiệu quả là Paracetamol. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.
  • Cho trẻ uống nhiều nước vì khi sốt, đặc biệt là sốt kéo dài, trẻ rất dễ mất nước.
  • Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám xác định nguyên nhân và điều trị sốt.


 Cảm - sốt là một triệu chứng bệnh lý rất thường gặp ở trẻ mầm non


2.2. Bệnh tiêu chảy cấp

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều nước > 3 lần trong 24 giờ. Nguyên nhân thường do các tác nhân vi rút như: Rotavirus, Adenovirus, Norovirus,… hay vi khuẩn như: E Coli, Shigella, lỵ trực tràng; Tả: thường gây những vụ dịch. Ngoài ra, tiêu chảy ở trẻ còn có thể do dị ứng thức ăn hoặc do cơ địa trẻ nhạy cảm với việc sử dụng một số loại kháng sinh.

Điều trị tiêu chảy cấp bằng các biện pháp: Bù nước bằng dung dịch điện giải (Oresol), tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu còn bú, bổ sung kẽm đủ 14 ngày và bổ sung men vi sinh hỗ trợ đường ruột. Có thể cân nhắc sử dụng một số thuốc điều trị tiêu chảy trong danh mục cho phép khi cần thiết. Tuyệt đối không tuỳ tiện sử dụng các thuốc điều trị tiêu chảy ở người lớn cho trẻ em (VD: Smecta…).

Phòng tránh bệnh bằng cách thực hiện chủng ngừa, uống vắc xin phòng Rotavirus. Giữ vệ sinh bằng cách rửa tay thường xuyên, rửa tay trước và sau khi ăn, ăn chín uống sôi.

2.3. Các bệnh về hô hấp

Viêm hô hấp trên: 

Viêm hô hấp trên là từ chỉ chung cho các bệnh: viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang,… là nhóm bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh chủ yếu gây ra bởi các siêu vi như Influenza, Parainfluenza, Adeno, Rhino, Entero, Corona…một số khác gây ra bởi các vi khuẩn như: phế cầu, liên cầu trùng nhóm A… Bệnh biểu hiện đa dạng với các triệu chứng: sốt, ho, chảy mũi, hắt xì, họng đỏ đau, đau nhức cơ thể,… Đa số diễn tiến tương đối nhẹ và có thể tự khỏi, tuy nhiên ba mẹ vẫn theo dõi kỹ tình trạng của trẻ, nếu triệu chứng nặng hơn, có các dấu hiệu nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Viêm tiểu phế quản:

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh viêm đường hô hấp dưới do virus ở trẻ em. Bệnh khởi phát ban đầu với các triệu chứng hô hấp trên và nhiễm siêu vi như sốt, ho, chảy mũi, sau đó đến viêm đường hô hấp dưới như khó thở, thở khó khè. Ba mẹ cần lưu ý các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời (thở nhanh, thở không đều, có cơn ngừng thở, tím, tái xanh, bứt rứt, kích thích…)

Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nói chung ba mẹ cần lưu ý:

Vệ sinh mũi họng bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) đúng cách

  • Giữ ấm cổ, ngực cho bé khi ngủ
  • Rửa tay bằng xà phòng cho bé trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát
  • Vệ sinh sạch và sát trùng vật dụng, đồ chơi, đồ gặm nướu... của bé 
  • Hạn chế đưa bé đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh
  • Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài
  • Tiêm phòng vaccine cúm cho trẻ hàng năm (trẻ từ 6 tháng trở lên)

2.4. Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Triệu chứng chính của bệnh là sang thương dạng bóng nước ở các vị trí đặc biệt như trong miệng, lòng bàn tay bàn chân, mông, đầu gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh thường hay gặp ở độ tuổi dưới 5. 


Triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ


Do đặc tính là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, bệnh thường bùng phát mạnh ở những môi trường tập trung như: nhà trẻ, trường học hay nơi sinh hoạt tập thể. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh bao gồm cả vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường xung quanh trẻ: thực hiện ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 

2.5. Bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ ở trẻ em chủ yếu là do virus Adenovirus, một số ít trường hợp có thể do vi khuẩn gây ra. Môi trường ẩm thấp, nhiều khói bụi, vệ sinh kém, rất dễ khiến bệnh bùng phát. Trẻ hay có thói quen dụi mắt rất dễ bị đau mắt đỏ, hoặc nếu trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ khác thì khả năng lây nhiễm sẽ cao. 

Biểu hiện của bệnh là phần tròng trắng của mắt chuyển sang màu đỏ. Trẻ cảm giác cộm xốn, khó chịu, có nhiều ghèn. Một số trường hợp sẽ có giả mạc (lớp màng trắng dưới mi). Trẻ cũng thường có kèm các triệu chứng như sốt nhẹ, ho khan, có hạch...

Bệnh thường giới hạn sau 7 - 10 ngày, một số trường hợp có thể gây diễn tiến nặng biến chứng đau mắt hột, viêm mãn tính, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, giảm thị lực...

Một số biện pháp chăm sóc khi trẻ bệnh như sau:

  1. Vệ sinh mọi vật dụng vật dụng của trẻ như chăn mền, ga gối, khăn mặt.
  2. Trẻ nên có khăn mặt riêng, dụng cụ vệ sinh các nhân riêng.
  3. Vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Để trẻ nằm nghiêng, dùng nước muối rửa ghèn trong mắt, sau đó nhẹ nhàng lau sạch ghèn mắt bằng khăn mềm ẩm hoặc bông gòn. 
  4. Không chữa đau mắt đỏ cho trẻ bằng phương pháp dân gian.

2.6. Nhiễm giun

Nhiễm giun là tình trạng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là ở Việt Nam do điều kiện vệ sinh ăn uống, cách sinh hoạt, mật độ dân số và môi trường xung quanh còn tương đối thấp, dễ tạo điều kiện cho giun có thể lây lan. Một số loài giun nhiễm phổ biến ở trẻ là: giun đũa, giun kim, giun móc,….

Triệu chứng của trẻ bị nhiễm giun thường gặp: đau bụng vùng rốn, thường tái đi tái lại nhiều lần, trẻ khó ngủ, hay gãi do ngứa vùng hậu môn vào ban đêm (giun kim), trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hoá (lúc tiêu chảy lúc táo bón), trẻ chậm lên cân, có các biểu hiện của thiếu hụt chất dinh dưỡng, vitamin,…

Điều trị và phòng ngừa bằng cách cho trẻ uống thuốc tẩy giun. Nên tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 1 tuổi 6 tháng 1 lần. Tập cho trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh để trẻ đi chân đất, không cho trẻ bò trườn dưới đất, không để trẻ cắn móng tay.

2.7. Bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một bệnh phổ biến trong các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non, là bệnh lý về tai phổ biến nhất ở trẻ, thường đi kèm hoặc là hậu quả do các bệnh vùng tai mũi họng ở trẻ như viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm xoang …

Biểu hiện bệnh bằng các triệu chứng: Sốt, có thể sốt cao > 39 độ C, ghi nhận chảy mủ, chảy dịch từ ống tai, trẻ khó chịu hay kéo vành tai, quấy khóc, khó ngủ, chán ăn, bỏ bú, trẻ lớn có thể thấy đau đầu, giảm khả năng nghe…

Hầu hết trẻ bị viêm tai giữa dạng nhẹ có thể tự giới hạn và thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên nếu ba mẹ thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy mủ dịch từ tai, trẻ đừ, nhiều bỏ ăn, bỏ bú,… thì tốt nhất nên đưa đến cơ sở y tế để có thể khám và điều trị kịp thời.


 Bệnh viêm tai giữa ở trẻ thường biểu hiện ở dạng nhẹ


Phòng tránh bệnh viêm tai giữa ở trẻ bằng cách:

  • Chích ngừa phế cầu. Phế cầu khuẩn là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây viêm tai giữa ở trẻ em. Do đó, chủ động chích ngừa phế cầu sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ. Hiện nay, trẻ từ 2 tháng tuổi đã có thể khởi động mũi vắc xin ngừa phế cầu đầu tiên.
  • Giữ tai trẻ ở tình trạng khô ráo, tránh đọng nước.
  • Tránh dùng tăm bông ngoáy sâu vào trong tai dễ gây tổn thương cấu trúc bên trong, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm tai.
  • Giữ vệ sinh, giữ ấm cho trẻ tránh các bệnh lý vùng tai mũi họng có thể dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, bổ sung rau xanh, trái cây, vitamin và khoáng chất,…


 3. Cha mẹ cần chuẩn bị những gì cho trẻ khi sắp vào mầm non?

  • Tiêm vacxin đầy đủ giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân nhiễm khuẩn có thể phòng ngừa.
  • Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi. 
  • Dạy trẻ cố gắng tránh dùng tay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, vì đây là những cách chính mà virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.
  • Cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng và đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

Bên cạnh những biện pháp phòng tránh bệnh, ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật tốt cho trẻ trước khi bước vào môi trường nhà trẻ để giúp trẻ hoà đồng, tránh bỡ ngỡ, rối loạn tâm lý. Vì khoa học đã chứng minh khi trẻ có tâm lý tốt, vui vẻ lạc quan, sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và giảm thiểu tác động của các mầm bệnh trẻ phải tiếp xúc ở trường.


 Cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe khi trẻ chuẩn bị vào mầm non


Hy vọng bài viết trên đã giúp ba mẹ có cái nhìn tổng quan về các bệnh thường gặp ở trẻ mầm non, từ đó hiểu thêm về những bệnh trẻ có thể gặp phải khi bước vào môi trường học tập, biết cách xử trí cũng như phòng tránh những căn bệnh đó, cùng con yêu đồng hành trên bước đường con khôn lớn.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
  2. WHO (2009). Dengue: Guidelines for Diagnosis, Treatment, Prevention and Control: New Edition. WHO, Geneva.
  3. WHO (2011). A Guide to clinical management and public health response for hand, foot and mouth disease.
  4. Grabriel GH, Thomas PG (2016). “Diagnostic Approach to Respiratory Disease '', in Nelson Textbook of Pediatrics. Elsevier, 20th ed, pp.1993-1999.


Powered by Froala Editor