Mẹ bị sốt có cho con bú được không? Giải đáp thắc mắc của các mẹ bỉm sữa


Khi mắc bệnh, đặc biệt là sốt, nhiều mẹ bỉm sữa không khỏi lo lắng về việc có nên cho con bú. Liệu rằng sữa mẹ có bị ảnh hưởng? Bé có bị lây bệnh không? Hãy cùng giải đáp những thắc mắc này và tìm hiểu những điều mẹ nên làm khi bị ốm trong thời gian đang cho con bú.


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ


1. Sữa mẹ và những điều cần biết

1.1. Thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ

Sữa mẹ rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh và là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế. Nhiều loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hiện nay có nhiều điểm tương đồng với sữa mẹ ở thành phần, nhưng không có sản phẩm có thể thay thế hoàn hảo cho sữa mẹ. 

Sữa mẹ chủ yếu gồm nước, carbohydrate, lipid và protein và một số thành phần khác. Các thành phần này giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển của trẻ sơ sinh. 

  • Nước: Chiếm 90% sữa mẹ, giúp duy trì hydrat hóa, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và bảo vệ các cơ quan.
  • Carbohydrate: Lactose trong sữa mẹ cung cấp 40% lượng calo, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu khoáng chất. Oligosaccarit thúc đẩy vi khuẩn lành mạnh trong ruột, chống tiêu chảy.
  • Lipid: Chiếm 4% nhưng cung cấp hơn một nửa lượng calo, hỗ trợ sự phát triển của não, hệ thần kinh và thị giác. Sữa mẹ chứa tất cả các chất béo cần thiết cho 6 tháng đầu đời của trẻ.
  • Protein: Gồm 60% whey và 40% casein giúp tiêu hóa dễ dàng. Lactoferrin trong protein giúp vận chuyển sắt và bảo vệ ruột khỏi nhiễm trùng.
  • Kháng thể: Các kháng thể đặc biệt là IgA có khả năng bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng và bệnh tật, và được coi như là vắc xin tự nhiên đầu tiên của trẻ.
  • Enzym: Một số enzym có trong sữa mẹ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ.
  • Vitamin: Cung cấp một số vitamin như A, D, E, K cho trẻ.
  • Khoáng chất: Các khoáng chất như sắt, kẽm, canxi,... hỗ trợ xương của trẻ chắc khỏe, khả năng sản xuất hồng cầu và các chức năng cơ và thần kinh.

Các thành phần trong sữa mẹ có thể thay đổi dựa trên nhiều yếu tố môi trường khác nhau, bao gồm: chế độ ăn uống, tình trạng sức khỏe, lối sống và mức độ căng thẳng của người mẹ. Điều này đảm bảo rằng sữa mẹ luôn thích ứng và cung cấp dưỡng chất cần thiết phù hợp với nhu cầu phát triển của bé trong từng giai đoạn.

1.2. Những lợi ích từ sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh

Những lợi ích từ sữa mẹ mang lại cho trẻ bao gồm:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng và giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, và viêm tai giữa.
  • Giảm nguy cơ dị ứng và mắc các bệnh mãn tính: Trẻ bú mẹ ít có khả năng mắc nguy cơ dị ứng, hen suyễn, tiểu đường type 1 và 2.
  • Phát triển não bộ và hệ thần kinh: DHA và các axit béo thiết yếu trong sữa mẹ rất quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé .
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Protein trong sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn so với sữa công thức, giảm nguy cơ táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác.
  • Tăng cường sự phát triển xương: Sữa mẹ cung cấp canxi và phospho với tỷ lệ phù hợp, hỗ trợ sự phát triển xương khỏe mạnh.
  • Giảm nguy cơ béo phì: Trẻ bú mẹ có nguy cơ béo phì thấp hơn khi lớn lên so với trẻ bú sữa công thức.
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Bú mẹ có liên quan đến huyết áp thấp hơn và mức cholesterol tốt hơn trong giai đoạn trưởng thành.
  • Gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé: Quá trình cho con bú tăng cường tình cảm và sự an tâm giữa mẹ và bé, giúp phát triển tâm lý và tình cảm của bé.

Những lợi ích này không chỉ mang lại sức khỏe tốt hơn cho bé trong thời gian ngắn, mà còn có tác động tích cực lâu dài đến sự phát triển và sức khỏe tương lai của trẻ. Sau đó, tiếp tục cho bé bú sữa mẹ kết hợp với thức ăn trong thời gian bạn mong muốn sẽ giúp bé phát triển và lớn lên khỏe mạnh. Như đã nói, thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của bé.


Các tổ chức y tế khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì mang lại nhiều lợi ích cho trẻ


Dựa vào những lợi ích tuyệt vời cho cả trẻ sơ sinh và người mẹ sau sinh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nghĩa là không cung cấp thực phẩm hoặc chất lỏng nào khác, kể cả nước. Từ 6 tháng tuổi, trẻ nên bắt đầu ăn thực phẩm bổ sung đầy đủ và an toàn. Đồng thời, tiếp tục bú sữa mẹ cho đến khi được 2 tuổi hoặc hơn.


2. Mẹ bị sốt có nên cho con bú không


Các yếu tố bảo vệ trong sữa mẹ khi ốm giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch


Đối với các bệnh nhiễm trùng thông thường, không cần phải ngừng cho con bú khi sốt vì trẻ sơ sinh đã tiếp xúc với các tác nhân này thông qua mẹ trong giai đoạn trước khi xảy ra triệu chứng. Lúc này, cơ thể mẹ đang sản xuất kháng thể, chất chống viêm và các chất điều hòa miễn dịch khác để bảo vệ cơ thể. Việc ngừng cho con bú sẽ làm bé không tiếp nhận được các yếu tố này từ mẹ. Các yếu tố bảo vệ mà trẻ được nhận từ sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như củng cố hệ miễn dịch.

Cảm sốt thông thường là một ví dụ điển hình thường gặp về trường hợp mà mẹ nên tiếp tục cho con bú. Bên cạnh đó, các nhiễm trùng đường tiêu hóa, đường sinh dục ở mẹ thường không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh trừ những trường hợp vi khuẩn đã nhâm nhập vào máu và sữa mẹ thì người mẹ nên thực hiện điều trị theo các hướng dẫn y tế cho từng trường hợp nhiễm cụ thể. 


3. Những điều mẹ nên làm khi bị sốt và cho con bú

3.1. Đảm bảo an toàn vệ sinh khi cho con bú

Rửa tay và vệ sinh sạch sẽ trước khi cho bé bú để loại bỏ vi khuẩn


Để bảo vệ con bạn, hãy chắc chắn tuân thủ các bước vệ sinh đơn giản sau đây:

  • Rửa tay kỹ lưỡng: Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi chạm vào em bé. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn.
  • Khử trùng bề mặt: Làm sạch và khử trùng bất kỳ bề mặt nào bạn đã chạm vào để loại bỏ vi khuẩn và vi rút.
  • Vệ sinh dụng cụ: Rửa sạch máy hút sữa, hộp đựng sữa và dụng cụ cho uống sau mỗi lần sử dụng để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ.


3.2. Một số giải pháp thay thế

Nếu bạn gặp các triệu chứng sốt nặng và cảm thấy quá ốm để cho con bú, hãy thử những cách sau để cho con bú sữa mẹ một cách an toàn:

  • Vắt sữa bằng tay: Sử dụng phương pháp vắt sữa bằng tay để thu sữa vào một bình sạch. Vắt sữa mẹ cũng rất quan trọng để duy trì việc sản xuất sữa để bạn có thể cho con bú lại khi bạn khỏi bệnh.
  • Sử dụng máy hút sữa: Dùng máy hút sữa điện hoặc thủ công để thu sữa một cách an toàn, hợp vệ sinh.
  • Nhờ người thân hỗ trợ: Nhờ người thân hoặc bạn bè giúp đỡ trong việc vắt sữa và cho bé bú.
  • Sử dụng túi trữ sữa: Lưu trữ sữa mẹ đã vắt trong túi trữ sữa và hâm nóng trước khi cho bé uống.
  • Sử dụng sữa công thức: Trong trường hợp không thể vắt sữa hoặc không có sữa mẹ hiến tặng, bạn có thể sử dụng sữa công thức, nhưng cần đảm bảo sử dụng hợp lý theo hướng dẫn và tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn.


3.3. Hạ sốt an toàn cho mẹ

Điều trị giảm bớt triệu chứng cảm sốt cho mẹ bằng thuốc giảm đau, hạ sốt để mẹ có đầy đủ sức khỏe và tinh thần sẵn sàng cho trẻ bú sữa. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt có thể sử dụng được cho phụ nữ cho con bú và thường gặp nhất là hoạt chất paracetamol. 


Hạ sốt an toàn và nhanh chóng cho mẹ với viên nén sủi bọt paracetamol

(Sản phẩm tham khảo: Efferalgan 500mg, sản xuất và nhập khẩu từ Pháp)


Paracetamol có thể đi qua đường sữa mẹ nhưng với lượng rất nhỏ và không gây ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ và đã được nhiều tổ chức Y tế đánh giá là an toàn khi sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Viên nén paracetamol dạng sủi bọt được nhập khẩu từ Pháp hiện nay được rất nhiều bác sĩ, dược sĩ lựa chọn hàng đầu cho sự an toàn và hiệu quả nhanh chỉ 10-60 phút sau khi sử dụng.


Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin về sữa mẹ và những lợi ích từ việc cho trẻ bú sữa mẹ. Đồng thời trả lời được nỗi băn khoăn của nhiều ba mẹ về việc có nên cho con bú sữa mẹ lúc mẹ sốt không. Vậy hãy mạnh dạn cho trẻ bú sữa mẹ nếu mẹ chỉ bị cảm sốt thông thường để tăng cường và củng cố hệ miễn dịch cho bé nhé. 


Nguồn tham khảo:

1.    UNICEF. Breastfeeding when sick 

2.    Pubmed. Components of human breast milk: from macronutrient to microbiome and microRNA. 

3.    Pubmed. Given the benefits of breastfeeding, what contraindications exist?

Powered by Froala Editor