Loét miệng gây đau đớn: Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa như thế nào
Vết loét miệng có thời gian lành tuy ngắn nhưng lại dễ tái phát, đồng thời cơn đau do vết loét gây ra ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, để nắm rõ hơn về các nguyên nhân cũng như các cách phòng ngừa và cải thiện tình trạng trên, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Loét miệng gây đau đớn ảnh hưởng đến chất lượng sống
1. Nguyên nhân gây loét miệng và chẩn đoán
1.1. Định nghĩa:
Loét miệng là tình trạng xuất hiện một hoặc vài vết loét nhỏ, nông hình thành trên niêm mạc miệng, thường gây đau đớn và khó chịu. Chúng thường xuất hiện ở má trong, môi, lưỡi và vòm miệng. Vết loét có màu trắng hoặc vàng, viền sưng đỏ và có thể có một lớp màng mỏng màu vàng. Kích thước vết loét từ 1 - 2 mm thường tập trung ở vùng lợi, má trong hoặc lưỡi.
Vết loét miệng lành tính thường tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần nhưng cơn đau do vết loét gây ảnh hưởng đến khả năng ăn, nuốt dẫn đến thiếu dinh dưỡng, giao tiếp khó khăn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1.2. Một số nguyên nhân gây loét miệng:
Nguyên nhân gây loét áp tơ (nhiệt miệng) vẫn chưa được biết rõ và một số nghiên cứu cho rằng có liên quan nhiều đến hệ miễn dịch tuy nhiên cũng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến triệu chứng này, bao gồm: thay đổi nội tiết tố, thiếu dinh dưỡng và căng thẳng.
Sau đây là một nguyên nhân dẫn đến triệu chứng loét miệng nói chung.
- Loét do tổn thương: Loét niêm mạc do tổn thương là một trong các nguyên nhân phổ biến nhất. Đây là hiện tượng cấp tính gây ra các vết loét lành trong vòng vài tuần mà không để lại sẹo. Vết loét xảy ra do: tổn thương vật lý như cắn vào niêm mạc miệng do vô tình hoặc thói quen ăn uống; bỏng niêm mạc do nhiệt, điện hoặc bỏng do tiếp xúc trực tiếp với chất có tính acid hoặc base.
- Loét do nhiễm virus, vi khuẩn, vi nấm: Nhiễm vi khuẩn và virus có thể là nguyên nhân gây ra loét miệng, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu. Bên cạnh đó, nhiều vết loét xảy ra do nhiễm nấm candida dai dẳng.
- Loét do lo âu, căng thẳng: Căng thẳng, lo âu có thể làm giảm hệ miễn dịch và khiến bạn dễ bị loét miệng hơn.
- Thiếu vitamin và khoáng chất: Có 15 - 25% bệnh nhân loét áp tơ liên quan đến việc giảm các chỉ số huyết học như thiếu máu do thiếu sắt, thiếu folat, kẽm hoặc vitamin B12.
- Rối loạn nội tiết tố: Sự mất cân bằng nội tiết tố xuất hiện trong nhiều bệnh liên quan đến hệ thống nội tiết của cơ thể con người.
- Loét do bệnh lý toàn thân hoặc bệnh lý ác tính: Loét niêm mạc miệng có thể là biểu hiện của một bệnh lý toàn thân hoặc dấu hiệu ban đầu của các bệnh lý ác tính như ung thư.
Stress cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến loét miệng
1.3. Chẩn đoán:
Thông thường, loại loét miệng thường gặp nhất là loét áp tơ hay còn gọi là nhiệt miệng. Vết loét này có thời gian lành ngắn trong khoảng 2 tuần tuy nhiên nếu không có dấu hiệu cải thiện, hơn nữa còn gây viêm nặng, kéo dài kèm theo triệu chứng toàn thân khác thì cần đi khám bác sĩ. Bởi vì loét miệng kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phức tạp và nguy hiểm hơn, cần chẩn đoán và điều trị một cách chính xác.
Hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây loét miệng kéo dài
Chẩn đoán phân biệt được thực hiện dựa trên các yếu tố sau:
- Kích thước của vết loét
- Vị trí vết loét
- Số lượng (một hay nhiều vết loét)
- Thời gian khởi phát
- Tuổi của bệnh nhân
- Bệnh toàn thân liên quan dẫn đến loét miệng
- Tiến triển của bệnh: lần đầu, tiến triển nặng hơn hay tái phát nhiều lần.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây bệnh phải dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng và cận lâm sàng.
2. Điều trị loét miệng như thế nào
Mục tiêu điều trị loét miệng cấp tính là giảm đau, thúc đẩy lành vết loét và ngăn ngừa tái phát. Một số bệnh nhân có đợt loét chỉ kéo dài vài ngày, chỉ xảy ra vài lần trong năm, những bệnh nhân này chỉ cần điều trị giảm đau và duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Đối với bệnh nhân có tần suất loét nhiều và triệu chứng đau dữ dội, gây khó ăn thì việc điều trị bằng thuốc sẽ được cân nhắc. Nói tóm lại, phương pháp điều trị phải được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh như mức độ đau, tiền sử bệnh, tần suất tái phát và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.
2.1. Nước súc miệng
Bệnh nhân sẽ được chỉ định các dung dịch súc miệng chứa chlorhexidin hoặc hydrogen peroxid để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Một số nước súc miệng có thành phần thảo dược và nước muối ấm giúp làm sạch khu vực bị loét và giảm đau.
2.2. Thuốc bôi dạng gel, thuốc mỡ
Thuốc bôi tại chỗ là lựa chọn đầu tiên trong điều trị. Thuốc bôi dạng gel, cream hoặc thuốc mỡ có thể được sử dụng để phủ lên bề mặt vết loét và tạo thành một hàng rào bảo vệ chống nhiễm trùng thứ cấp và tránh các kích thích cơ học. Các thuốc bôi tại chỗ hiện nay thường chứa corticosteroid giúp giảm viêm và đau như hydrocortison hoặc triamcinolon. Bệnh nhân nên thoa một lượng nhỏ gel hoặc kem sau khi rửa sạch và tránh ăn hoặc uống trong 30 phút. Điều này có thể được lặp lại 3 đến 4 lần mỗi ngày.
2.3. Thuốc giảm đau
Dựa vào mức độ đau, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để giảm tình trạng đau do loét cho bệnh nhân. Các thuốc giảm đau bao gồm paracetamol, giúp giảm đau hiệu quả và an toàn hoặc các thuốc giảm đau - kháng viêm nhóm NSAID như ibuprofen và naproxen.
Paracetamol mang lại hiệu quả giảm cơn đau do vết loét nhanh chóng
(Sản phẩm tham khảo: Efferalgan 500mg, sản xuất và nhập khẩu từ Pháp)
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol tại nhà nhưng vẫn mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Đồng thời, so với các loại thuốc giảm đau-kháng viêm thuộc nhóm NSAID thì paracetamol an toàn và phù hợp hơn với nhiều đối tượng sử dụng. Viên nén paracetamol dạng sủi đặc biệt nhập khẩu từ Pháp được sử dụng phổ biến điều trị nhanh các cơn đau nhẹ, trung bình và cho mùi vị dễ uống với hiệu quả giảm đau nhanh chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.
2.4. Thuốc kháng viêm
Đối với những trường hợp viêm loét kéo dài và nặng thì bác sĩ sẽ thì các thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid để làm giảm tình trạng viêm nặng hơn. Tuy nhiên, các thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch này lại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
2.5. Kháng sinh
Kháng sinh sẽ được chỉ định trong các trường hợp vết loét bị bội nhiễm vi khuẩn. Các kháng sinh đặc hiệu cho vi khuẩn vùng miệng là amoxicillin, metronidazol,… Đối với loét áp tơ thì phối hợp gồm sulfamethoxazol và trimethoprim thường được chỉ định.
2.6. Bổ sung vitamin
Thiếu dinh dưỡng cũng là một trong các yếu tố hình thành nên vết loét. Vì thế, cần bổ sung các loại vitamin C, vitamin PP, vitamin B12, acid folic hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao sức đề kháng và thúc đẩy vết loét mau lành.
3. Cách phòng ngừa loét miệng
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn việc xuất hiện vết loét miệng, nhưng bạn có thể thực hiện những biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ:
- Đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày để duy trì sức khỏe răng miệng tốt nhất.
- Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, cafein,...
- Tránh chấn thương ở miệng như khi ăn uống, dùng bàn chải đánh răng có lông mềm.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng nhiễm nấm và vi khuẩn.
- Bổ sung các sắt, folic acid hoặc vitamin B12 nếu bị thiếu.
- Giữ lối sống khỏe mạnh và sinh hoạt điều độ và hạn chế stress, căng thẳng.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng tại nha khoa để được cảnh báo về các nguy cơ về răng miệng bao gồm loét miệng.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính kích thích như đồ ăn cay, nóng
Loét miệng không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Tuy không thể ngăn ngừa hoàn toàn, việc hiểu rõ nguyên nhân và các phương pháp điều trị có thể giúp việc lựa chọn cách điều trị hiệu quả hơn. Hãy luôn chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe miệng và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi cần thiết.
Nguồn tham khảo:
- Pubmed. Guideline for the diagnosis and treatment of recurrent aphthous stomatitis for dental practitioners.
- Pubmed. Acute oral ulcers. Dermatol Clin
- Cleveland Clinic. Mouth Ulcer
Powered by Froala Editor