Hướng dẫn cách giảm đau gout nhanh chóng tại nhà


Với những người đã từng trải qua sự đau đớn khi các cơn gout xuất hiện, việc tìm ra các phương pháp để giảm nhanh cơn đau dường như là ưu tiên số 1 của họ. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách giảm đau gout nhanh chóng, đơn giản, hiệu quả có thể áp dụng tại nhà.


Cơn đau do gout là một nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với người mắc bệnh


1. Tổng quan về bệnh gout

1.1. Bệnh gout là gì?

Bệnh gout, cách gọi khác là gút hay thống phong, là một loại viêm khớp gây ra do sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khớp. Axit uric là sản phẩm phân hủy của purine có trong nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn. Sự bất thường trong việc cơ thể xử lý axit uric và sự kết tinh của các hợp chất này trong khớp có thể gây ra các đợt viêm, sưng và đau đớn ở khớp cho bệnh nhân.

Bệnh gout đặc trưng bởi những cơn gout cấp - tình trạng đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái. Các cơn gout cấp có thể lặp đi lặp lại nếu không điều trị đúng cách.

Chưa có cách chữa khỏi bệnh gout nhưng bạn có thể điều trị và kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả bằng thuốc và các chiến lược thay đổi lối sống.

1.2. Triệu chứng gout qua các giai đoạn chuyển biến của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout hầu như luôn xảy ra đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm. Chúng bao gồm:

  • Đau khớp dữ dội: bệnh gout thường đặc trưng bởi cơn đau dữ dội ở khớp ngón chân cái, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở nhiều khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu.
  • Khó chịu kéo dài: sau khi cơn đau dữ dội giảm bớt, cảm giác khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
  • Viêm và sưng đỏ: khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ.
  • Giới hạn phạm vi chuyển động: khi bệnh gout tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp như bình thường.


 Cơn đau do gout có thể rất dữ dội và kéo dài vì vậy làm sao để giảm đau gout là điều mà nhiều người có bệnh quan tâm


1.3. Biến chứng nguy hiểm của bệnh gout

Bệnh gout nếu như không kiểm soát tốt có thể làm xuất hiện những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Bệnh gout tái phát: Nếu không kiểm soát, điều trị tốt, bạn có thể phải trải qua cơn gout cấp nhiều lần mỗi năm và có thể bị xói mòn, phá hủy khớp.
  • Bệnh gout mãn tính: Bệnh gout không được điều trị có thể gây lắng đọng các tinh thể urat dưới da thành các nốt gọi là hạt tophi. Hạt tophi thường hình thành ở một số khu vực như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles. Các hạt này thường không gây đau đớn nhưng sẽ gây dị dạng bàn tay, bàn chân nơi chúng lắng đọng.
  • Sỏi thận: Các tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu và gây ra sỏi thận.


Bệnh gout có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm


1.4. Những đối tượng nguy cơ dễ mắc bệnh gout

Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện một số yếu tố dễ gây ra bệnh gout và dễ gây tái phát cơn gout cấp hơn, bao gồm:

  • Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều bia và rượu mạnh.
  • Chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, hải sản, nước ngọt có ga và thực phẩm giàu fructose.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thiazid và thuốc lợi tiểu quai.
  • Mắc các bệnh tăng huyết áp, suy thận, tăng triglycerid máu, tăng cholesterol máu, tăng acid uric máu, tiểu đường, béo phì và mãn kinh sớm.


1.5. Nguyên nhân gây ra bệnh gout

Được chia làm 2 loại:

  • Gout nguyên phát: Chiếm đa số các trường hợp, chưa rõ nguyên nhân. Thường gặp ở nam giới tuổi trung niên có thói quen uống nhiều rượu bia và ăn nhiều thức ăn chứa purine.
  • Gout thứ phát: Hậu quả của tăng acid uric máu do những nguyên nhân gây tăng sản xuất acid uric máu hoặc giảm thải qua thận hoặc cả hai.


2. Chẩn đoán và điều trị bệnh gout

2.1. Phương pháp chẩn đoán

Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh gout dựa trên các triệu chứng và sự xuất hiện của khớp bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh gout có thể bao gồm:

  • Kiểm tra dịch khớp: chọc hút dịch từ khớp bị ảnh hưởng và tìm các tinh thể urat dưới kính hiển vi. Đây là phương pháp đáng tin cậy nhất để chẩn đoán bệnh gout.
  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm này nhằm đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, kết quả này có thể bị sai lệch. Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng không bao giờ bị bệnh gout và một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gout nhưng nồng độ axit uric trong máu của họ lại nằm trong ngưỡng bình thường.
  • Chụp X-quang: chụp X-quang khớp có thể hữu ích để loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm, đau nhức khớp.


 Chẩn đoán và điều trị sớm giúp quá trình điều trị được dễ dàng và nhanh chóng hơn


2.2. Nguyên tắc và phương pháp điều trị

Theo hướng dẫn của Bộ Y Tế, nguyên tắc điều trị bệnh gout là điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp và dự phòng tái phát cơn gout, dự phòng lắng đọng urat trong các tổ chức và dự phòng biến chứng thông qua điều trị tăng acid uric máu.

Việc điều trị bệnh gout sẽ xoay quanh 3 phương pháp sau:

  • Thay đổi chế độ ăn uống - sinh hoạt phù hợp: hạn chế uống rượu, thức uống có ga; hạn chế ăn nhiều các loại thực phẩm có nhiều purin như thịt đỏ, tôm, cua,...; uống nhiều nước,...
  • Điều trị nội khoa: dùng các loại thuốc chống viêm, hạ axit uric máu theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị ngoại khoa: là phẫu thuật cắt bỏ hạt tophi, thường được chỉ định trong trường hợp gout kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt tophi hoặc hạt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ.


3. Cách để giảm đau gout nhanh chóng và hiệu quả ngay tại nhà

3.1. Giảm đau gout bằng cách chườm lạnh

Liệu pháp lạnh có thể giúp giảm cơn đau gout đáng kể nhờ làm giảm viêm và giảm các tín hiệu đau. Nếu phương pháp điều trị này phù hợp với bạn, bạn có thể chườm túi lạnh liên tục trong ngày, mỗi lần từ 10 đến 20 phút.

3.2. Nâng cao chỗ khớp bị sưng

Nâng đỡ khớp bị sưng, đau có thể giảm bớt áp lực và giảm đau. Nếu ngón chân cái của bạn bị sưng (khoảng một nửa số bệnh nhân gout bị sưng ngón chân cái), hãy gác chân lên một chiếc gối hoặc ghế kê chân.

3.3. Ngâm chân với nước ấm giúp làm giảm đau gout

Ngâm chân nước ấm sẽ giúp thúc đẩy tinh thể axit uric được hòa tan, đào thải ra ngoài, nhờ vậy giúp khớp được thư giãn và giảm đau gout cấp hiệu quả. Cách làm này đặc biệt có lợi cho người bị gout tấn công ở các khớp ngón chân, bàn chân, mắt cá chân…

Bạn có thể tiến hành ngâm chân vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm trong khoảng 20 phút mỗi ngày cho đến khi cơn gout cấp qua đi.

3.4. Bổ sung nhiều nước giúp thanh lọc acid uric

Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, việc tránh xa rượu, các thức uống có cồn và nước ngọt có ga có thể giúp ngăn cơn gout trở lại hoặc trở nên tồi tệ hơn.


 Bệnh nhân gout cần chú ý bổ sung nhiều nước mỗi ngày


3.5. Dùng thuốc giảm đau, chống viêm, không steroid

Khi gặp phải cơn gout cấp, bạn có thể tìm đến các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) nhằm cắt cơn viêm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên các thuốc này chỉ có tác dụng khi bị gout cấp và không có tác dụng trong việc ngăn chặn các cơn gout cấp tái phát. Bên cạnh đó việc sử dụng NSAID cần thận trọng trên một số đối tượng như có tiền sử loét tiêu hóa, mắc bệnh tăng huyết áp,...

Một lựa chọn khác cũng giúp giảm đau gout nhanh chóng và hiệu quả tại nhà, đó là dùng Paracetamol. Mặc dù chỉ có tác dụng giảm đau, không có tác dụng chống viêm, nhưng Paracetamol không chứa steroid, không làm tăng acid uric nên trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng để giảm đau gout. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng Paracetamol, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi mà bạn có thể dễ dàng tìm mua ở mọi nhà thuốc. Đặc biệt, dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.


4. Biện pháp phòng ngừa bệnh gout

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh gout khởi phát và tái phát đó là thiết lập một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng cân đối và chế độ luyện tập đều đặn, cụ thể như:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, tăng cường các loại thực phẩm bổ sung vitamin C, ăn vừa đủ các thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, tôm, cua,...
  • Tập thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, hạn chế uống bia rượu.
  • Rèn luyện thể chất thường xuyên, điều độ, duy trì mức cân nặng hợp lý.
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ.


 Tập thói quen ăn uống lành mạnh và luyện tập điều độ để phòng ngừa bệnh gout


Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã tự trang bị được những kiến thức hữu ích giúp làm giảm nhanh cơn đau gout tại nhà. Bên cạnh đó đừng quên thiết lập một lối sống thật lành mạnh để phòng ngừa cũng như ngăn chặn các cơn gout cấp.


Nguồn tham khảo:

  1. CDC. Gout.
  2. Mayo Clinic. Gout.
  3. Pubmed. Risk Factors for Gout and Prevention: A Systematic Review of the Literature.
  4. Bộ Y Tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp.
  5. Arthritis-health. 6 Ways to Deal with Painful Gout Attacks.


Powered by Froala Editor