Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì? Cách giảm đau và điều trị bệnh đau khớp gối hiệu quả


Đau khớp gối là một vấn đề gây nhiều phiền toái và thường liên quan đến sự hao mòn khớp từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, cúi, đứng và nâng người. Vậy đau khớp gối có thể là biểu hiện của bệnh lý gì? Cách giảm đau thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.


Đau khớp gối gây nhiều khó khăn và phiền toái cho người mắc phải


1. Tổng quan về tình trạng đau khớp gối

1.1. Đau khớp gối là tình trạng gì?

Đau khớp gối là một phàn nàn phổ biến ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Đau khớp gối có thể là kết quả của chấn thương, chẳng hạn như đứt dây chằng hoặc rách sụn hoặc do các bệnh lý như viêm khớp, bệnh gút và nhiễm trùng.

Nhiều trường hợp đau khớp gối nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần dùng đến phẫu thuật để điều trị dứt điểm cơn đau.

1.2. Những triệu chứng phổ biến khi bị đau khớp gối

Vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đau khớp có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Sưng và cứng khớp
  • Đỏ và ấm khi chạm vào
  • Khả năng vận động khớp bị hạn chế
  • Phát ra âm thanh lộc cộc khi di chuyển
  • Không có khả năng duỗi thẳng hoàn toàn đầu gối


 Các triệu chứng của đau khớp gối ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống


1.3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau khớp gối

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đau khớp gối, bao gồm:

  • Cân nặng quá mức: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực cho khớp gối, ngay cả trong các hoạt động bình thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang. Nó cũng làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp do đẩy nhanh quá trình phân hủy sụn khớp.
  • Thiếu sự linh hoạt hoặc sức mạnh của cơ bắp: Cơ bắp khỏe mạnh giúp ổn định và bảo vệ các khớp, và sự linh hoạt của cơ có thể giúp hoạt động một cách dễ dàng.
  • Một số môn thể thao hoặc nghề nghiệp: Một số môn thể thao gây tăng áp lực cho đầu gối hơn những môn khác như các cú nhảy và trụ khi chơi bóng rổ, đầu gối gập duỗi liên tục khi chạy bộ,... Những công việc như xây dựng hoặc làm nông cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc đau đầu gối.
  • Có tiền sử chấn thương: Từng bị chấn thương đầu gối trước đó khiến làm tăng khả năng bị chấn thương đầu gối lần nữa.


2. Đau khớp gối là có thể là biểu hiện của những bệnh nguy hiểm nào?

2.1. Chấn thương khớp gối

Chấn thương đầu gối có thể làm tổn thương đến dây chằng, sụn hoặc gân ở đầu gối, từ đó gây đau khớp gối. Các chấn thương này thường là trật khớp gối, gãy xương do tai nạn hoặc té ngã, viêm gân bánh chè,... gây ra cơn đau cấp tính ở khớp gối trong thời gian bị thương. Lúc này đầu gối thường có hiện tượng sưng, cứng, khó di chuyển.

2.2. Bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, theo đó hệ thống miễn dịch của một người tấn công nhiều khớp trong cơ thể. Không giống như thoái hóa khớp, đau khớp gối do viêm khớp dạng thấp có xu hướng cải thiện khi hoạt động.

2.3. Bệnh thoái hoá khớp gối

Thoái hóa khớp gối phát triển do "hao mòn" sụn ở đầu gối và phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi. Khi sụn thoái hóa, cơn đau phát triển và tăng dần theo thời gian, trầm trọng hơn khi vận động đầu gối.


Đau khớp gối có thể là biểu hiện của bệnh thoái hoá khớp


2.4. Bệnh gout

Loại viêm khớp này xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp. Mặc dù bệnh gút thường ảnh hưởng đến ngón chân cái, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở đầu gối.

2.5. Bệnh viêm xương tủy xương

Bệnh viêm xương tủy xương là một tình trạng khác gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, xảy ra do thiếu máu cung cấp cho một đoạn nhỏ của xương đầu gối. Điều này làm cho xương bị ảnh hưởng và sụn bao phủ nó yếu đi và đôi khi tách khỏi xương bên dưới.

Đau khu trú ở đầu gối khi hoạt động là triệu chứng đầu tiên. Khi tình trạng bệnh tiến triển có thể gây ra sưng phù và cứng khớp gối.

2.6. Bệnh nhiễm trùng khớp

Đôi khi khớp gối có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến sưng, đau và đỏ. Nhiễm trùng khớp thường đi kèm với sốt và thường không có chấn thương trước khi bắt đầu đau. Nhiễm trùng khớp có thể nhanh chóng gây ra tổn thương trên diện rộng cho sụn đầu gối. Nếu bạn bị đau khớp kèm theo bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm khớp nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

2.7. Hội chứng dải chậu chày

Hội chứng dải chậu chày đề cập đến tình trạng viêm của dải dây thần kinh đệm, thường xảy ra do hoạt động quá sức, đặc biệt là ở những vận động viên chạy bộ, và gây ra cảm giác đau nhức, bỏng rát ở bên ngoài khớp gối. Đôi khi, cơn đau lan lên đùi và hông.


Hội chứng dải chậu chày cũng là một trong những nguyên nhân gây đau khớp gối


2.8. Rách sụn chêm khớp gối

Có hai miếng sụn cứng, hình chữ "C" nằm giữa xương đùi và xương ống chân được gọi là sụn chêm. Rách sụn chêm là nguyên nhân phổ biến của đau khớp gối và có thể xảy ra ở người trẻ tuổi (thường xuyên khi chơi thể thao) hoặc người lớn tuổi, do sụn yếu đi theo tuổi tác nên dễ bị rách.


3. Những cách giảm đau và điều trị bệnh đau khớp gối hiệu quả

3.1. Nghỉ ngơi

Hãy tạm dừng các hoạt động thường ngày để giảm tạo áp lực cho khớp gối, giúp nó có thời gian chữa lành và giúp ngăn ngừa tổn thương thêm. Bạn có thể cần từ 1-2 ngày nghỉ ngơi nếu chấn thương nhẹ. Những tổn thương nặng hơn có lẽ cần thời gian phục hồi lâu hơn.

3.2. Dùng thuốc giảm đau

Có hai loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể được sử dụng cho bệnh đau khớp là Paracetamol và NSAID. NSAID có thể hiệu quả hơn vì chúng vừa giảm đau vừa giảm viêm. Tuy nhiên, chúng đi kèm với những tác dụng phụ và rủi ro tiềm ẩn nguy hiểm nên cần hạn chế tự ý sử dụng. Vậy nên để an toàn nhất, bạn có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol cho tình trạng đau nhức khớp gối nhẹ trong khi chờ lịch khám với bác sĩ.

Trên thị trường hiện có rất nhiều dạng Paracetamol, từ viên nén, viên nang đến viên sủi mà bạn có thể dễ dàng mua được ở mọi nhà thuốc. Đặc biệt, dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ nước ngoài như Pháp, Mỹ đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao về chất lượng và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, cho hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.


Sử dụng thuốc giảm đau chứa Paracetamol để làm giảm cơn đau khớp gối


3.3. Chườm nóng và chườm lạnh

Trong 48 đến 72 giờ đầu tiên sau khi bị chấn thương đầu gối, hãy dùng túi chườm lạnh để giảm sưng và làm tê cơn đau. Bạn có thể dùng túi chườm chuyên dụng hoặc quấn đá vào khăn sạch rồi chườm lên khớp gối từ 15-20 phút, 3 hoặc 4 lần một ngày. Sau đó, bạn có thể tiếp tục chườm nóng bằng cách tắm bằng nước ấm hoặc chườm khăn ấm trong 15-20 phút, cũng áp dụng 3 đến 4 lần một ngày.

3.4. Massage, xoa bóp

Xoa bóp cơ tại chỗ giúp cơ và xương thư giãn, giảm tình trạng co cứng, từ đó giúp giảm bớt tình trạng đau nhức. Phương pháp này còn có thể kích thích lưu thông khí huyết, giúp các dưỡng chất được vận chuyển tới nuôi dưỡng, phục hồi sụn khớp nhanh hơn.

3.5. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu rất có ích trong việc giảm đau và điều trị đau khớp gối. Không chỉ cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh của đầu gối, liệu pháp vật lý trị liệu tập trung nhiều vào việc tăng cường sức mạnh của hông. Hông yếu tạo áp lực nhiều hơn lên đầu gối. Nếu hông của bạn khỏe, khi bạn đứng dậy khỏi ghế hoặc lên xuống cầu thang, đầu gối của bạn sẽ ít phải làm việc hơn.


 Giảm đau khớp gối bằng các bài tập vật lý trị liệu


3.6. Giảm áp lực cho khớp gối bằng cách dùng dụng cụ hỗ trợ

Một chiếc nạng hoặc gậy có thể giảm bớt áp lực cho đầu gối của bạn. Nẹp đầu gối cũng có thể giúp giữ cho khớp ổn định và nhanh hồi phục hơn.

3.7. Phương pháp luyện tập thể dục, thể thao hợp lý

Sau khi khớp hồi phục, bạn có thể bắt đầu luyện tập thể dục thể thao để tăng sức dẻo dai cho khớp. Tuy nhiên, các bài tập không phù hợp có thể làm tổn thương thêm khớp gối bị đau. Tránh các bài tập như chạy, nhảy và kickboxing. Ngoài ra, tránh thực hiện các bài tập như gập bụng và ngồi xổm sâu gây căng thẳng cho khớp gối của bạn. Những điều này có thể làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn và nếu không được thực hiện đúng cách sẽ gây ra chấn thương.

3.8. Duy trì cân nặng hợp lý

Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân sẽ làm giảm áp lực cho các khớp gối của bạn. Bạn thậm chí không cần phải đạt được cân nặng "lý tưởng" mà chỉ cần những thay đổi nhỏ vẫn có thể tạo ra sự cải thiện đáng kể.

3.9. Bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho xương khớp

Đối với những người bị đau khớp gối nhẹ có thể thử dùng các thực phẩm bổ sung chứa glucosamine và chondroitin. Tuy chưa có nhiều bằng chứng về glucosamine và chondroitin đối với giảm đau khớp gối nhưng chúng an toàn nên có thể đáng để thử. Tuy nhiên, những người bị dị ứng động vật có vỏ có thể không dung nạp được các chất này.

3.10. Lựa chọn giày phù hợp

Lót đệm có thể làm giảm áp lực cho khớp gối. Đối với bệnh thoái hóa khớp gối, các bác sĩ thường khuyên nên sử dụng các loại lót giày đặc biệt. Để tìm được loại đế thích hợp, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu của bạn để được tư vấn đúng loại.


 Cách chọn giày cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ xương khớp


4. Những biện pháp phòng ngừa bệnh đau khớp gối

Bạn có thể tránh bị đau và chấn thương khớp gối bằng cách thực hiện những điều sau:

  • Khởi động trước khi tập thể dục
  • Luyện tập thể dục thể thao với cường độ tăng dần, hạn chế các hoạt động tạo nhiều áp lực lên khớp gối
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Mang những đôi giày vừa vặn, có lớp đệm thích hợp


Đôi khi đau khớp gối không chỉ là những cơn đau đơn thuần mà chính là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Hãy tham khảo các cách giảm đau khớp gối trong bài viết nhưng đừng quên tới gặp bác sĩ để có thể điều trị cơn đau dứt điểm.


Nguồn tham khảo:

  1. Very Well Health. Causes of Knee Pain and Treatment Options
  2. Healthline. Chronic Knee Pain
  3. Mayo Clinic. Knee pain
  4. Web MD. 11 Knee Pain Dos and Don’ts
  5. Cleveland Clinic. What’s the Best Way to Find Relief from Your Knee Arthritis Pain?


Powered by Froala Editor