Chấn thương thể thao: Nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp điều trị và phòng ngừa


Lợi ích của thể thao và tập thể dục vượt xa nguy cơ, nhưng đôi khi chấn thương vẫn có thể xảy ra. Việc hiểu được nguyên nhân, triệu chứng chấn thương là rất cần thiết để có thể điều trị và phòng ngừa chấn thương thể thao hiệu quả.


Chấn thương thể thao là một trong những dạng chấn thương thường gặp nhất


1. Chấn thương thể thao là gì?

Chấn thương thể thao là chấn thương xảy ra khi thi đấu, tập luyện thể dục, thể thao.

Trẻ em thường có nguy cơ gặp phải chấn thương này nhưng đôi khi nó cũng xảy ra ở người lớn. Bạn sẽ có nguy cơ bị chấn thương thể thao nếu:

  • Tập luyện quá sức hoặc luyện tập tần suất không đều đặn
  • Không khởi động đúng cách trước khi tập.
  • Tập luyện không đúng kỹ thuật.


2. Những loại chấn thương thể thao thường gặp

2.1. Bong gân

Bong gân xảy ra khi các dây chằng hỗ trợ khớp bị căng ra quá mức. Dây chằng là các mô liên kết hai xương với nhau trong một khớp. Khi các dây chằng này bị tác động lực sai cách, chúng có thể bị kéo rách. Bong gân mắt cá chân là lại bong gân thường gặp nhất ở các vận động viên, tiếp theo là bong gân đầu gối, bong gân cổ tay và khuỷu tay. Triệu chứng của bong gân thường gặp là: Đau, sưng, bầm tím, không thể cử động được vùng khớp bị bong gân. Các cơn đau do bong gân có thể từ nhẹ đến nặng, mất nhiều thời gian để chữa lành hơn căng cơ và đôi khi cần bất động để bảo vệ khỏi chấn thương thêm.

2.2. Căng cơ

Căng cơ là phổ biến nhất trong số tất cả các chấn thương liên quan đến thể thao vì chúng ta sử dụng quá nhiều cơ và gân khi tập thể dục hoặc chơi. Căng cơ là tình trạng các thớ cơ bị căng giãn hơn mức bình thường và vượt quá mức giới hạn chịu đựng của cơ, thường xảy ra khi hoạt động quá sức. Các triệu chứng của căng cơ là đau, yếu cơ, khó hoặc không có khả năng sử dụng cơ.


 Việc không khởi động hoặc tập luyện quá mức có thể gây nên tình trạng căng cơ


2.3. Chấn thương vai và tay

Vai, khuỷu tay và cổ tay của bạn phải đối mặt với nguy cơ bị chấn thương do va đập và căng cơ do hoạt động quá mức. Việc té ngã không chủ đích trong khi chơi thể thao, theo quán tính đa số mọi người sẽ dùng cánh tay để chịu lực, việc này có thể làm rách cơ và căng dây chằng do tác động và áp lực đột ngột. Tham gia các môn thể thao như bóng chày quần vợt có thể gây ra chấn thương này. Các triệu chứng thường gặp là đau nhức, khó khăn trong việc cử động vai, cánh tay, khuỷu tay, cổ tay.

2.4. Gãy/nứt xương

Gãy xương là một chấn thương do hoạt động quá mức, xảy ra khi các cơ không còn khả năng chịu áp lực từ hoạt động thể chất và để xương trực tiếp tiếp nhận các áp lực này dẫn đến gãy, nứt xương. Phần lớn gãy xương do chơi thể thao thường xảy ra ở cẳng chân, cẳng tay, bàn chân và bàn tay. Dấu hiệu cho thấy xương bạn đã bị gãy hoặc nứt gồm:

  • Xương bị biến dạng tại chỗ bị thương.
  • Bầm tím, sưng và đau ở vùng chấn thương.
  • Mất khả năng cử động ở vùng bị thương.
  • Trong trường hợp gãy xương hở, xương có thể đâm xuyên qua và nhô ra khỏi da.


2.5. Chấn thương cơ gập hông

Cơ gập hông nằm ở mặt trước của đùi trên. Bạn sử dụng các cơ này để nâng đầu gối lên hoặc gập chân lại. Ngồi nhiều có thể làm yếu cơ gập hông, khiến bạn có nguy cơ bị chấn thương cao hơn. Các môn thể thao và hoạt động dẫn đến chấn thương cơ gập hông bao gồm:

  • Leo cầu thang.
  • Chạy nước rút.
  • Dừng hoặc khởi động đột ngột.
  • Chạy lên dốc.

Xuất hiện vết bầm tím ở mặt trước của đùi trên hoặc cảm thấy đau là dấu hiệu cơ gập hông bị tổn thương, khi đó có thể bạn nên hạn chế hoạt động nhiều trong một vài tuần để cho phép các cơ được chữa lành hoàn toàn.

2.6. Chấn thương đầu gối

Đầu gối của vận động viên chạy rất dễ bị chấn thương do gân, niêm mạc khớp và các mô mềm khác của đầu gối bị kích thích thường xuyên. Ngoài cảm giác đau, các triệu chứng còn bao gồm khó chịu bên dưới hoặc một bên xương bánh chè và cảm giác nóng ran ở đầu gối. Tạm thời chuyển sang các hoạt động gây ít áp lực cho khớp gối có thể giúp giảm thiểu cơn đau và để đầu gối có thời gian hồi phục.


 Khớp gối là bộ phận chịu lực nặng nhất của cơ thể nên rất dễ bị chấn thương


2.7. Chấn thương đầu

Các chấn thương nhẹ ở đầu, chẳng hạn như va đập và bầm tím là phổ biến và thường không nghiêm trọng. Những người tham gia các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá có nguy cơ bị chấn thương đầu cao hơn và nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng thường bao gồm nhức đầu, mất ý thức, buồn ngủ, buồn nôn, nôn. Một cuộc kiểm tra thần kinh kỹ lưỡng là cần thiết sau chấn thương để xác định mức độ tổn thương. Sau đó hãy nghỉ ngơi, cả về thể chất và tinh thần, để não bộ phục hồi.

Hãy đến khoa cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào gợi ý chấn thương đầu nghiêm trọng bao gồm ngất, khó tỉnh táo hoặc vẫn buồn ngủ vài giờ sau chấn thương, co giật hoặc phù, khó dùng ngôn ngữ, nhìn mờ hoặc nhìn đôi.


3. Những biện pháp điều trị chấn thương thể thao từ nhẹ đến nặng

3.1. Sơ cứu chấn thương càng sớm càng tốt bằng phương pháp RICE

Càng sớm càng tốt sau các chấn thương như bong gân và căng cơ, bạn có thể sử dụng phương pháp RICE — Rest, Ice, Compression và Elevation trong 2-3 ngày để giảm đau và sưng, đồng thời thúc đẩy quá trình hồi phục chấn thương.

  • R (Rest) - nghỉ ngơi: Để khu vực chấn thương được nghỉ ngơi, hạn chế tối đa hoạt động.
  • I (Ice) - chườm lạnh: Chườm đá vùng chấn thương để giảm sưng và viêm. Hãy thực hiện chườm trong 10-20 phút, 3-4 lần mỗi ngày.
  • C (Compression) - băng nén: Băng nén khu vực chấn thương để giảm sưng. Đừng quấn quá chặt vì điều này có thể gây sưng nhiều hơn.
  • E (Elevation) - nâng: Nâng vùng bị chấn thương bằng hoặc cao hơn tim để giảm sưng.


3.2. Sử dụng thuốc giảm đau

Cảm giác đau nhức sẽ không thể tránh khỏi khi gặp bất cứ chấn thương thể thao nào. Việc giảm đau cũng rất cần thiết để hồi phục chấn thương nhanh chóng, nâng cao sức khỏe tinh thần. Những lựa chọn mà bạn có thể cân nhắc sử dụng là dùng các thuốc giảm đau không kê đơn bao gồm Paracetamol và NSAID. Đối với tình trạng đau từ nhẹ đến vừa, bạn nên ưu tiên sử dụng paracetamol vì ít tác dụng phụ, đồng thời có thể sử dụng an toàn cho mọi đối tượng từ trẻ em, phụ nữ có thai đến người cao tuổi.

Paracetamol hiện nay được sản xuất với rất nhiều dạng bào chế đa dạng như viên nén, viên nang, viên sủi để đáp ứng với nhu cầu khác nhau của người dùng. Tuy nhiên, dạng paracetamol viên sủi được nhập khẩu từ Pháp đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và ưu tiên kê đơn trong điều trị nhanh các cơn đau do chấn thương thể thao, cho hiệu quả giảm đau nhanh chóng chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.


 Paracetamol dạng viên sủi giúp giảm đau nhanh, ít gây tác dụng phụ


3.3. Tập vật lý trị liệu

Đây là một phương pháp điều trị chuyên khoa, trong đó các kỹ thuật như xoa bóp và các bài tập chuyên biệt được sử dụng để cải thiện phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh và trả lại chức năng bình thường của vùng bị thương.

Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể lập một chương trình tập thể dục đặc biệt để giúp tăng cường sức mạnh cho phần cơ thể bị tổn thương và giảm nguy cơ chấn thương tái phát.

3.4. Phẫu thuật

Hầu hết các chấn thương thể thao không cần phẫu thuật, nhưng chấn thương rất nặng như gãy xương nghiêm trọng có thể cần dùng đến phương pháp điều trị này. Khi đó ca phẫu thuật sẽ dùng nẹp vít để cố định xương bị gãy.

Một số chấn thương khác như trường hợp dây chằng đầu gối bị rách đôi khi cũng cần phải phẫu thuật để cải thiện chất lượng sống về lâu dài.


 Một số trường hợp chấn thương nặng cần phải phẫu thuật để điều trị


3.5. Khi nào cần nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để kiểm tra?

Chấn thương thể thao là rất phổ biến và thường không cần phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, nếu chấn thương của bạn không cải thiện với các biện pháp điều trị đơn giản hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đến gặp bác sĩ. Một số dấu hiệu mà bạn nên được chuyên gia y tế thăm khám bao gồm:

  • Khó khăn khi cử động khu vực bị thương (đi bộ, nâng cánh tay,...).
  • Biến dạng vùng bị thương.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng (sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi).
  • Nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn hoặc mất ý thức sau chấn thương đầu.


4. Cách phòng tránh và giảm nguy cơ bị chấn thương thể thao

Cách tốt nhất để phòng tránh chấn thương thể thao là khởi động đúng cách và căng cơ kỹ lưỡng trước khi vận động để làm nóng cơ bắp. Bên cạnh đó, hãy thực hiện các hướng dẫn sau để phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao:

  • Trang phục thoải mái, gọn gàng, phù hợp với việc tập luyện.
  • Dụng cụ tập luyện đúng tiêu chuẩn, có đồ bảo hộ phù hợp.
  • Chế độ tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Tập với HLV hoặc người có kinh nghiệm để điều chỉnh kỹ thuật.
  • Giãn cơ sau khi tập luyện.
  • Lắng nghe cơ thể, không gò ép bản thân tập luyện quá giới hạn.


 Khi chơi thể thao cần lưu ý một số điểm nêu trên để tránh bị chấn thương thể thao


Chấn thương thể thao xảy ra rất thường xuyên trong cuộc sống. Bằng cách áp dụng các hướng dẫn được đề cập trong bài viết, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro từ các chấn thương này.


Nguồn tham khảo:

  1. Healthline. Everything You Need to Know About Sports Injuries and Rehab
  2. On Health. Sports Injuries: Types, Treatments, and Prevention
  3. Web MD. Most Common Sports Injuries
  4. NHS. Injuries treatment
  5. Michigan Medicine. Rest, Ice, Compression, and Elevation (RICE)


Powered by Froala Editor