Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19, khi nào cần gặp bác sĩ?
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người trên khắp thế giới. Sự ra đời của vắc xin ngừa Covid được ví như chiếc phao cứu sinh giúp làm giảm sự lây lan cũng như số lượng ca tử vong do vi-rút này. Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 nhé.
Bạn biết gì về vắc xin Covid-19?
1. Khái quát về bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19
1.1. Định nghĩa, nguyên nhân
Bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra. Tên gọi Covid-19 là tên gọi tắt của coronavirus disease 2019, theo các từ khóa “corona”, “virus”, “disease” (bệnh) và 2019 là năm mà loại vi-rút gây đại dịch này xuất hiện.
Covid-19 lây lan khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, hoặc thở ra các giọt bắn và các hạt rất nhỏ có chứa vi-rút. Những giọt bắn và những hạt này có thể truyền sang những người xung quanh qua đường hô hấp, bám dính trên da rồi sau đó đi vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng… Những người ở gần người nhiễm bệnh trong phạm vi 2 mét có nguy cơ bị lây rất cao. Theo các nghiên cứu gần đây, Covid-19 có thể lây lan theo ba cách chính:
- Hít vào không khí khi ở gần người bị nhiễm bệnh đang thở ra những giọt nhỏ và các hạt có chứa vi-rút.
- Để những giọt nhỏ và các hạt có chứa vi-rút rơi vào mắt, mũi hoặc miệng, đặc biệt là thông qua quá trình người bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay có vi-rút trên đó.
1.2. Những triệu chứng phổ biến
Triệu chứng của Covid-19 đôi khi rất giống với triệu chứng cảm cúm thông thường
Hầu hết các triệu chứng của Covid-19 rất giống với các triệu chứng của bệnh cảm cúm hay cảm lạnh thông thường, bởi vậy, muốn xác định bệnh cần phải tiến hành xét nghiệm. Các triệu chứng bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài sau từ 2 - 14 ngày có vi rút, biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Có một số trường hợp người nhiễm bệnh hoàn toàn không có biểu hiện gì cả.
Sốt, ho, mệt mỏi là những triệu chứng phổ biến của bệnh. Các triệu chứng nặng hơn có thể bao gồm khó thở, đau hoặc tức ngực, đau nhức cơ hoặc toàn thân, nhức đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, lú lẫn, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng và phát ban trên da.
1.3. Những đối tượng dễ mắc bệnh
Bất cứ ai cũng có thể nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 và khởi phát bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Tuy nhiên theo thống kê cho thấy những người lớn tuổi và những người có một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính hoặc ung thư có nhiều khả năng mắc bệnh hơn cũng như chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do Covid-19.
1.4. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh
Theo thống kê, các biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cần nhập viện điều trị bao gồm viêm phổi (75%), hội chứng suy hô hấp cấp (15%), tổn thương thận cấp (9%), và tổn thương gan cấp tính (19%). 10-25% bệnh nhân Covid-19 nhập viện bị rối loạn đông máu do huyết khối dẫn đến các biến cố nguy hiểm như đột quỵ. Ngoài ra Covid-19 còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như tổn thương tim, rối loạn nhịp tim, sốc nhiễm trùng và suy đa cơ quan, tất cả đều gây nguy cơ tử vong cao cho bệnh nhân nếu không được can thiệp kịp thời.
Vi-rút SARS-COV-2 có thể gây ra những biến chứng nặng nề, dẫn đến tử vong
2. Sơ lược về vắc xin Covid-19
2.1. Vắc xin Covid-19 là gì?
Vaccine phòng Covid-19 là loại vaccine giúp hệ miễn dịch của người được tiêm chủng tạo ra kháng thể có khả năng nhận biết và tiêu diệt vi-rút SARS-COV-2. Hiện nay, đã có rất nhiều đơn vị công bố sản xuất vắc xin ngừa Corona vi-rút thành công và cho hiệu quả tích cực
2.2. 3 cơ chế sản xuất vắc xin Covid-19 hiện nay
- Vắc xin mARN
Vaccine đưa phân tử ARN được tổng hợp vào bên trong tế bào của cơ thể. Khi đã vào bên trong tế bào, mARN tổng hợp của vaccine hoạt động như một mARN tự nhiên, khởi động quá trình tổng hợp protein mới (bình thường protein này do vi-rút tổng hợp). Đến lượt protein mới này lại kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể (adaptive immune response) chống lại protein của vi-rút. Cứ như vậy, cơ thể nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của vi rút), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).
- Vắc xin protein
Vắc xin loại này bao gồm những mảnh protein tinh khiết của vi rút SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.
- Vắc xin vector
Các loại vắc xin dựa trên vi rút vector khác với hầu hết các loại vắc xin thông thường ở chỗ chúng không thực sự chứa kháng nguyên, mà sử dụng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng. Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại vi-rút đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Đối với vắc xin phòng vi-rút SARS-CoV-2, mã di truyền là các protein gai trên bề mặt của vi-rút. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc xin bắt chước những gì xảy ra trong quá trình lây nhiễm tự nhiên với một số mầm bệnh – đặc biệt là vi-rút. Điều này có lợi thế là kích hoạt phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ của tế bào T cũng như sản xuất kháng thể của tế bào B.
Vắc xin là chìa khoá quan trọng nhất để đưa nhân loại thoát khỏi đại dịch Covid-19
2.3. Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin Covid-19
Vắc xin Covid-19 sẽ tạo ra sự bảo vệ chống lại căn bệnh này thông qua việc dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng vi-rút gây bệnh COVID-19. Việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ đem lại 3 lợi ích quan trọng:
- Tăng khả năng miễn dịch để chống lại vi-rút nếu tiếp xúc, từ đó không bị mắc bệnh.
- Giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và giảm nguy cơ tử vong khi bị nhiễm Covid-19.
- Bảo vệ những người xung quanh nhờ giảm nguy cơ lây lan vi-rút. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do Covid-19 như người lớn tuổi và những người mắc các bệnh nền khác.
3. Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 và cách xử lý
Tiêm phòng vắc xin sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm Covid-19. Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ - dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể bạn đang xây dựng hệ thống bảo vệ chống lại vi-rút.
3.1. Các tác dụng phụ thường gặp
- Tác dụng phụ tại chỗ tiêm bao gồm:
- Đau tại chỗ tiêm
- Vết tiêm đỏ hoặc sưng tấy
- Tác dụng phụ toàn thân bao gồm:
- Cảm thấy khó chịu, mệt mỏi
- Đau đầu, đau cơ
- Sốt trên 38°C
- Ớn lạnh, buồn nôn
Thời gian khởi phát trung bình của các tác dụng phụ này thường từ 1-2 ngày sau khi tiêm và kéo dài trong 1-2 ngày sau đó.
3.2. Những biện pháp hữu ích để giảm bớt tác dụng phụ
Những tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đôi khi có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày của nhiều người. Để xử lý vấn đề này đơn giản tại nhà, các bác sĩ cũng như nhiều hướng dẫn trên thế giới thường sẽ đề xuất sử dụng các thuốc không kê đơn như Paracetamol, Ibuprofen (thuốc giảm đau kháng viêm nhóm NSAID) hoặc thuốc kháng Histamin.
Paracetamol là lựa chọn hàng đầu để giảm triệu chứng sốt sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Tuy nhiên, lựa chọn được ưu tiên và được sử dụng trong hầu hết các trường hợp là sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol. Paracetamol có thể dùng an toàn trên nhiều đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai. Thêm vào đó, Paracetamol không tác động lên phản ứng viêm của cơ thể nên sẽ không gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh kháng thể sau khi tiêm vắc xin. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng Paracetamol, từ viên nén, viên nang đến viên sủi nên có thể dễ dàng sử dụng cho mọi đối tượng. Đặc biệt, dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hạ sốt nhanh chóng vì thể hiện tác dụng điều trị chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng, mùi vị thơm ngon dễ uống.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm các biện pháp khác để làm giảm các tác dụng phụ sau tiêm như:
- Sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm lên vị trí đau hoặc sưng tấy.
- Thường xuyên di chuyển, vận động cánh tay để giảm bớt đau nhức. Điều này có thể gây một chút khó chịu nhưng nó sẽ giúp thả lỏng các cơ bị đau và giúp chúng nhanh chóng hồi phục.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước khi bị ớn lạnh và sốt.
3.3. Những trường hợp cần gặp bác sĩ
Liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện, trạm y tế gần nhất nếu bạn gặp các triệu chứng dưới dây sau khi tiêm vắc xin Covid-19:
- Vết đỏ nơi tiêm trở nên tồi tệ hơn sau 24 giờ.
- Các triệu chứng của phản ứng phản vệ như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật…
- Dấu hiệu của xuất hiện huyết khối như đau đầu dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.
Như vậy, việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19 là một trong những biện pháp hàng đầu giúp bảo vệ bạn và gia đình trong hoàn cảnh đại dịch ngày càng lan rộng và khó kiểm soát như hiện nay. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết khi tiêm vắc xin để có thể xử lý linh hoạt, đúng cách khi gặp phải cách tác dụng phụ sau tiêm nhé.
Nguồn tham khảo:
- WHO. Coronavirus disease (COVID-19)
- CDC. COVID-19
- UNICEF. COVID-19: Frequently asked question
- VNVC. VACCINE COVID-19 (CORONA): LOẠI NÀO HIỆU QUẢ & GIÁ BAO NHIÊU?
- CDC. Possible Side Effects After Getting a COVID-19 Vaccine
- Medical News Today. COVID-19 vaccine: What to do about side effects
- Medscape. What are the potential complications of coronavirus disease 2019 (COVID-19)?
Powered by Froala Editor