Bệnh đau nhức xương khớp ở người cao tuổi và cách giảm đau hiệu quả


Tuổi tác càng cao, xương khớp dường như cũng “già” theo dẫn đến những cơn đau xương khớp ở người cao tuổi, gây ra những ảnh hưởng về tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về đau nhức xương khớp và các cách giảm đau hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho người thân mình.


Tuổi già thường xuyên gặp các vấn đề xương khớp


1. Tổng quan về đau nhức xương khớp

1.1. Đau nhức xương khớp là gì?

Người cao tuổi rất thường hay gặp các bệnh về xương khớp như loãng xương, thoái hóa sụn khớp, thoái hóa khớp gối...bởi độ cứng cáp của xương và dẻo dai của sụn khớp suy giảm theo thời gian. Đau nhức xương khớp chính là biểu hiện điển hình của tình trạng này. Những dấu hiệu xương khớp xuất hiện vào mỗi sáng hay sau những cử động chân tay gây khó chịu nhưng thường lại bị bỏ qua hoặc người bệnh âm thầm chịu đựng. Các vấn đề xương khớp ở người lớn tuổi nếu không điều trị sẽ tái phát nhiều lần và trở thành bệnh mạn tính. Đặc biệt, với phụ nữ đến tuổi mãn kinh, các nội tiết tố giảm kèm theo giảm hấp thu canxi sẽ dễ mắc loãng xương và cũng gây ra các cơn đau và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

1.2. Những triệu chứng thường gặp

Tùy theo vị trí đau nhức mà chúng ta có thể nhận biết được chúng. Điển hình nhất là các cơn đau ở các khớp nối như đầu gối, khuỷu tay,..


 Đau nhức xương khớp ở nhiều vị trí khác nhau


Các triệu chứng khác thường kèm theo cơn đau nhức xương khớp bao gồm:

  • Cứng khớp vào buổi sáng sau khi thức dậy.
  • Đau lan xuống mông, đùi hoặc háng.
  • Đau trong các hoạt động nhất định, như đứng lên sau khi ngồi hoặc đi lên cầu thang.
  • Sưng khớp.
  • Không thể cử động khớp nhiều như bình thường.


1.3. Đau nhức xương khớp ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống như thế nào?

Xương khớp đau nhức gây khó chịu cho người cao tuổi tạm thời hoặc tái phát mỗi ngày. Hầu hết viêm đau ở các khớp vận động nhiều gây giảm vận động và di chuyển, đặc biệt là các động tác khiêng vác, chạy bộ,... Các cơn đau không xảy ra trong cùng một khoảng thời gian nhất định, người bệnh có thể cảm nhận cơn đau bất cứ lúc nào trong ngày và sau những hoạt động khác nhau. Tác động lâu dài của chúng sẽ dần tồi tệ hơn nếu không được chữa trị kịp thời, một số có thể gây hỏng khớp, tàn tật.


2. Tại sao người cao tuổi lại thường dễ bị đau nhức xương khớp?

2.1. Yếu tố nguy cơ gây đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

2.1.1. Tuổi, giới tính

Khi tuổi càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh về viêm khớp càng tăng, nhất là các loại bệnh về thoái hoá xương khớp. Hầu hết các loại bệnh viêm khớp phổ biến hơn ở nữ, tuy nhiên gout (bệnh gút) lại có tỷ lệ cao hơn ở nam giới.

2.1.2. Yếu tố di truyền

Một số nghiên cứu dịch tễ cho thấy những người mang một vài kiểu gen điển hình sẽ có nhiều khả năng mắc các loại bệnh về xương khớp hơn người bình thường hoặc làm tình trạng thoái hoá xương khớp trở nên tồi tệ hơn.

2.1.3. Thừa cân, béo phì

Khi lớn tuổi, chúng ta thường sẽ giảm vận động nên việc tăng cân khó kiểm soát và do đó gây áp lực không hề nhỏ lên khung xương khớp, khiến tình trạng thoái hoá trở nên trầm trọng điển hình là thoái hóa khớp hông, khớp gối.


Càng có tuổi khả năng chịu lực của xương khớp càng kém


2.1.4. Chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt

Với lối sống không lành mạnh ở giai đoạn đầu, đặc biệt là chế độ ăn không đủ dưỡng chất và ít vận động thể lực sẽ dẫn đến các nguy cơ đau nhức sau này, đặc biệt là đối tượng phụ nữ sau mãn kinh.

2.1.5. Nghề nghiệp

Các công việc vận động chân tay với tư thế không phù hợp, liên quan nhiều đến gập đầu gối và ngồi xổm làm tăng các bệnh lý về xương khớp sau này.

2.1.6. Chấn thương liên quan

Các chấn thương khớp hoặc tác động không đúng lặp đi lặp lại vào các khớp xương có thể gây hỏng khớp và góp phần vào nguy cơ đau các khớp xương khi về già.

2.2. Nguyên nhân bệnh lý gây đau nhức xương khớp ở người cao tuổi


Đau nhức xương khớp xảy ra phổ biến ở người cao tuổi


2.2.1. Thoái hoá cột sống thắt lưng

Thoái hoá cột sống thắt lưng là bệnh mạn tính liên quan đến tuổi tác của xương (đốt sống) và đĩa đệm của cột sống (tình trạng thoát vị đĩa đệm). Khi cơ thể già đi, các đĩa đệm giữa các xương của cột sống trở nên cứng hơn và có thể bị gãy, xương cũng mòn đi và có thể mọc gai xương. Hầu hết các trường hợp thoái hóa cột sống thắt lưng không gây ra triệu chứng cho đến khi bệnh phát triển nặng và gây ra đau, cứng lưng.

2.2.2. Thoái hoá sụn  -  khớp 

Thoái hoá sụn  -  khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại sụn và xương dưới sụn. Đa số là thoái hoá khớp gối và ở nữ giới chiếm 80% các trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu do giảm sự hấp thu canxi trong cơ thể khi phụ nữ đến độ tuổi mãn kinh.

2.2.3. Đau thần kinh toạ

Đây là cơn đau thần kinh dọc theo đường đi của dây thần kinh toạ (từ cột sống thắt lưng lan đến mặt ngoài đùi và cẳng chân, mắt cá chân ngoài và có thể đến các ngón chân). Bệnh này thường gặp ở lứa tuổi lao động (30 - 50 tuổi) và dai dẳng khi về già nên như không điều trị kịp thời.

2.2.4. Viêm khớp dạng thấp

Đây là một bệnh lý tự miễn và mạn tính xảy ra ở nhiều khớp khác nhau, dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như tàn phế, dị tật khớp.

2.2.5. Bệnh gout

Gout (gút) là tình trạng bệnh khi lắng đọng các tinh thể muối urat natri trong các khớp gây sưng nóng, đỏ, đau. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng acid uric trong cơ thể và đặc biệt 95% gặp ở nam giới ở bất cứ độ tuổi nào.

2.2.6. Bệnh loãng xương

Loãng xương rất phổ biến ở người lớn tuổi vì rối loạn chuyển hóa xương gây tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh này thường xảy ra do thiếu các dưỡng chất như canxi, vitamin D và đối tượng phụ nữ thời kỳ mãn kinh rất hay gặp phải. Loãng xương gây ra đau nhức và dễ dẫn đến gãy xương nếu như không bổ sung đầy đủ.


3. Cách phòng tránh và làm giảm đau nhức xương khớp ở người cao tuổi đơn giản và hiệu quả

3.1. Tập thể dục thể thao điều độ

Điều đơn giản và quan trọng nhất đó là vận động các cơ xương khớp đúng cách và đều đặn. Duy trì một thói quen tập thể thao ngay từ lúc trẻ không chỉ giảm các nguy cơ xương khớp mà còn giúp chúng ta có một thể trạng tốt nhất, phòng tránh được rất nhiều căn bệnh khác nhau. Nhiều các bài tập phù hợp dành cho đối tượng người cao tuổi sẽ giúp hạn chế tình trạng đau nhức và nâng cao chất lượng cuộc sống.

3.2. Duy trì cân nặng hợp lý

Cân nặng lý tưởng sẽ tạo sự cân đối với bộ khung xương của cơ thể, giúp giảm bớt áp lực lên xương khớp, đặc biệt là khớp gối  -  vị trí đau nhức phổ biến ở người cao tuổi. Thay vì chạy bộ hoặc tập gym như người trẻ, người cao tuổi chỉ cần thường xuyên đi bộ hoặc tập dưỡng sinh đều đặn để vừa có thể duy trì cân nặng hợp lý, vừa tránh những tác động tiêu cực lên xương khớp.

3.3. Ăn, uống các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D

Khi tuổi cao, chúng ta thường khó khăn trong việc hấp thu các chất dinh dưỡng nhưng để duy trì được bộ khung xương khớp chắc chắn và dẻo dai không thể bỏ qua bước này. Canxi và vitamin D là hai chất không thể thiếu để giúp xương khớp cứng cáp. Ngoài ra, sử dụng thực phẩm bổ sung chất làm tăng dịch khớp có thể được ưu tiên nếu tình trạng khớp khô phổ biến ở người cao tuổi.


 Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học giúp phòng ngừa các bệnh về xương khớp


3.4. Nghỉ ngơi, chườm nóng

Nghỉ ngơi trong lúc đau để tránh tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Các túi chườm nóng hay khăn ấm sẽ làm giãn mạch máu, giúp máu lưu thông tốt hơn từ đó sẽ giúp giảm đau. Người cao tuổi có thể tự chườm hoặc có người thân chăm sóc, thời gian chườm lên vùng bị đau trong khoảng 15 - 20 phút, 3 - 4 lần một ngày hoặc ngâm tay chân trong các chậu nước ấm.

3.5. Xoa bóp, thoa kem

Xoa bóp cũng có tác động làm nóng vùng sưng đau đồng thời có thể sử dụng thêm các loại kem thoa để có tác động giảm đau tại chỗ.

3.6. Tập vật lý trị liệu

Phương pháp này có thể chăm sóc các khớp xương đang sưng đau và giảm tải lực lên các khớp. Quá trình trị liệu này cần sự kiên nhẫn từ người bệnh để có thể cải thiện đến chất lượng cuộc sống. Các bài tập đơn giản như chườm nóng, xoa bóp tạm thời có thể áp dụng tại nhà. Các bài tập khác phức tạp hơn cần phải hỗ trợ từ các chuyên gia vật lý trị liệu để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

3.7. Sử dụng thuốc giảm đau an toàn

Khi các cơn đau hành hạ thì phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất đó là dùng các dạng thuốc giảm đau kê đơn và không kê đơn. Các dạng thuốc kê đơn trị một số bệnh điển hình sẽ không được đề cập ở đây. Paracetamol là một dạng thuốc giảm đau không kê đơn và rất hiệu quả với các cơn đau nhức xương khớp thông thường.

Liều Paracetamol mỗi lần dùng là từ 500 - 1.000mg; ngày uống 1  -  4 lần khi đau và uống không quá 4 gam/ngày. Paracetamol an toàn hơn so với các loại giảm đau khác vì ít tác dụng phụ, có thể được sử dụng an toàn trên phụ nữ có thai, trẻ em lẫn người cao tuổi. Paracetamol có thể dễ dàng tìm mua ở các nhà thuốc với nhiều lựa chọn như viên nén, viên nang hoặc viên sủi. Đặc biệt trong trường hợp cần giảm nhanh các cơn đau thì các bác sĩ, dược sĩ thường ưu tiên khuyên bệnh nhân sử dụng dạng viên sủi nhập khẩu từ nước ngoài như Pháp, Mỹ vì chất lượng cao, cho hiệu quả giảm đau từ 10  -  60 phút sau khi sử dụng.


4. Khi nào thì cần đến gặp bác sĩ?

Với các cơn đau nhẹ, tần suất ít và việc sử dụng các biện pháp giảm đau tại nhà vẫn có hiệu quả, người bệnh chưa cần đến thăm khám với bác sĩ. Tuy nhiên, với đối tượng người cao tuổi, có nhiều bệnh lý thì việc đi kiểm tra sức khỏe là điều nên thực hiện để có thể phát hiện sớm những nguyên nhân tiềm ẩn gây đau nhức xương khớp.


 Lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia đầu ngành


Đau nhức xương khớp khi tuổi cao là điều khó tránh khỏi và gây nhiều khó chịu cho người bệnh. Hy vọng bài viết đã cung cấp những kiến thức hữu ích để bạn có thể giảm bớt cơn đau cho ông bà, cha mẹ mình một cách an toàn, hiệu quả.


Nguồn tham khảo:

  1. BYT 2016. Hướng dẫn điều trị cơ xương khớp
  2. NHS. Joint pain
  3. CDC. Arthritis
  4. Medical News Today. Joint pain
  5. Healthline. Joint pain







Powered by Froala Editor