Những nguyên nhân gây đau đầu chóng mặt ở dân văn phòng và cách điều trị


Đau đầu chóng mặt là một vấn đề thường gặp ở người đi làm nói chung và người làm việc văn phòng nói riêng. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau đầu và chóng mặt như áp lực từ công việc hay thời gian tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử liên tục trong nhiều giờ. Để nắm rõ hơn về các lý do cũng như các cách điều trị và cải thiện tình trạng trên, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!


Những nguyên nhân gây đau đầu chóng mặt ở dân văn phòng và cách chữa trị


1. Đau đầu chóng mặt là tình trạng gì?

1.1. Định nghĩa

Đau đầu là việc các thụ thể thần kinh trung ương bị kích thích gây cảm giác đau khi chịu tác động từ bên ngoài. Chóng mặt dùng để chỉ tất cả những cảm giác mất thăng bằng có nguồn gốc từ cơ quan tiền đình. Đau đầu chóng mặt là một loại bệnh lý hoặc cũng có thể là triệu chứng của nhiều loại bệnh lý khác. Đau đầu được chia thành 2 loại bao gồm đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Trong đó, đau đầu nguyên phát bao gồm:

  • Đau nửa đầu.
  • Đau đầu thể căng thẳng.
  • Đau dây thần kinh tam thoa.
  • Các dạng đau đầu nguyên phát khác.

Trong khi đó, đau đầu thứ phát là một trong những triệu chứng có thể gặp của nhiều loại bệnh lý như khối u, xuất huyết não, đau đầu liên quan đến nhiễm trùng,.. Triệu chứng đau đầu sẽ khác nhau tùy vào dạng đau đầu mắc phải như đau từng cơn hoặc đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên đầu,...

1.2. Những đối tượng dễ bị đau đầu chóng mặt

Theo khảo sát của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, bất kỳ nghề nghiệp, độ tuổi hay giới tính nào đều có thể gặp vấn đề đau đầu chóng mặt, tuy nhiên phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 thường dễ bộc phát cơn đau đầu hơn nam giới. Bên cạnh đó, do áp lực công việc trong xã hội hiện đại, có thể quan sát thấy ngày càng có nhiều nhân viên văn phòng và người đi làm gặp phải các triệu chứng về đau đầu, căng thẳng.

1.3. Đau đầu chóng mặt có nguy hiểm không?

Các triệu chứng đau đầu hay chóng mặt là rất phổ biến, có nhiều phương pháp đơn giản để cải thiện và chữa trị tình trạng này. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì đó cũng có thể là triệu chứng của nhiều loại bệnh nguy hiểm như khối u, xuất huyết não, nhiễm trùng não, thiếu máu, hay các bệnh lý rối loạn tâm thần.


2. Tại sao dân văn phòng thường dễ bị đau đầu chóng mặt

2.1. Áp lực công việc, stress

Do áp lực công việc, ngày càng nhiều dân văn phòng ngày nay phải trải qua tình trạng căng thẳng, stress mà một trong những hậu quả có thể gặp là đau đầu thể căng thẳng. Triệu chứng có thể gặp ở cả 2 bên đầu lan xuống vùng cổ, cảm giác như đang đeo một băng quấn chặt vòng đầu hay đang đội một chiếc nón quá bó.

2.2. Thức khuya, dậy sớm vì deadline

Việc thức khuya, dậy sớm để hoàn thành công việc đúng hạn đã không còn là một việc xa lạ đối với nhân viên công sở. Do đó các dạng đau đầu có thể gặp ở một người thiếu ngủ bao gồm đau nửa đầu, đau đầu thể căng thẳng,...


 Rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân của cơn đau đầu chóng mặt


2.3. Ngồi trước màn hình máy tính quá lâu

Ngoài ra việc điều tiết mắt liên tục trước ánh sáng màn hình các thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng đến thị lực, gây ra các bệnh về mắt, điển hình như hội chứng “mỏi mắt kỹ thuật số” (digital eye strain) cũng gây ra các triệu chứng bao gồm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.


 Điều tiết mắt trước màn hình máy tính thời gian dài gây triệu chứng đau đầu chóng mặt


2.4. Ít vận động, sức khoẻ kém

Do tính chất công việc, một nhân viên văn phòng thường ngồi hàng giờ liền và ít có thời gian để vận động hay tập thể dục nâng cao sức khỏe. Điều này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch dẫn đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh như cảm cúm, cảm lạnh khiến xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, sốt, đau đầu, chóng mặt.

2.5. Không chịu được nhiệt độ máy lạnh thấp và kéo dài

Làm việc trong môi trường kín với nhiệt độ thấp kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ có thể gây viêm đường hô hấp, viêm xoang. Do đó, một nhân viên văn phòng có nguy cơ trải qua cơn đau đầu viêm xoang với các triệu chứng đau đầu dai dẳng, mệt mỏi, phù nề quanh mắt,… khi làm việc trong môi trường sử dụng máy lạnh nhiều giờ.


3. Cách phòng và điều trị tình trạng đau đầu chóng mặt cho dân văn phòng

3.1. Thư giãn - giải trí, giảm căng thẳng – stress

Stress như đã đề cập là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến dân văn phòng trải qua cơn đau đầu. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này người làm văn phòng đôi khi nên giành cho mình những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, giải trí để giải tỏa căng thẳng. Một buổi tối đi chơi cùng bạn bè hay một bộ phim cũng là những cách đơn giản để xả stress sau thời gian làm việc vất vả. 


 Cân bằng thời gian hợp lý giúp giảm căng thẳng và nguy cơ gặp vấn đề đau đầu chóng mặt

 

3.2. Không ngồi liên tục trước màn hình máy tính quá lâu

Do tính chất công việc, nhân viên văn phòng ngày nay rất khó tránh việc tiếp xúc quá lâu trước màn hình máy tính trong giờ làm việc, không sử dụng các thiết bị điện tử quá 2 giờ sau giờ làm việc là một biện pháp hữu hiệu giúp cải thiện thị lực và tránh hiện tượng nhức đầu. Tuy vậy, thỉnh thoảng bạn cũng nên rời mắt khỏi màn hình laptop sau 1 đến 2 giờ làm việc để mắt và cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi nhé.

3.3. Ăn uống khoa học, tập luyện thể dục, thể thao

Tăng cường sức đề kháng là một việc luôn được chú trọng để phòng và chữa trị nhiều loại bệnh lý nói chung và các bệnh liên quan đến đau đầu nói riêng. Chú ý ăn uống đủ chất, không bỏ bữa và tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày và không nghỉ quá 2 ngày là những khuyến cáo của chuyên gia trong việc nâng cao sức khỏe bản thân.

 Lối sống lành mạnh giúp hạn chế mắc các bệnh lý và triệu chứng đau đầu chóng mặt


3.4. Không lạm dụng caffein, đồ uống có cồn

Dân văn phòng cần hạn chế việc lạm dụng caffein và đồ uống có cồn như rượu, bia để đảm bảo chất lượng công việc. Việc lạm dụng caffein và dừng đột ngột caffeine sau một thời gian dài sử dụng có thể làm kích hoạt phản ứng hồi ứng của cơ thể và gây cơn đau đầu bộc phát.

3.5. Sử dụng thuốc giảm đau đầu

Dùng thuốc giảm đau là một biện pháp đơn giản và hiệu quả trong việc cắt cơn đau đầu. Ngày nay có rất nhiều loại thuốc giảm đau trên thị trường có thể kể đến như thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid như Ibuprofen, Aspirin,… nhưng được biết đến nhiều nhất có lẽ là thuốc chứa hoạt chất acetaminophen hay còn gọi là Paracetamol. Paracetamol là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau hữu hiệu có thể thay thế Aspirin. Paracetamol thường được chọn làm thuốc giảm các cơn đau từ nhẹ đến vừa ở mọi độ tuổi và ở người có chống chỉ định dùng Salicylat hoặc NSAID khác, như người bị hen, có tiền sử loét dạ dày tá tràng và trẻ em. Trên thị trường các sản phẩm Paracetamol cũng rất đa dạng, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi. Dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp với quy trình sản xuất hiện đại và chất lượng đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.

3.6. Trường hợp nguy hiểm cần gặp bác sĩ

Tuy không phải tất cả trường hợp đau đầu, chóng mặt đều cần gặp bác sĩ, nhưng nếu có các dấu hiệu sau đây bạn cần được đến bệnh viện để kiểm tra vì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn:

  • Đau đầu đột ngột, dữ dội.
  • Đau đầu đột ngột kết hợp với cứng cổ.
  • Đau đầu kèm theo sốt, co giật, hoặc kèm theo lú lẫn hoặc mất ý thức.
  • Đau đầu sau chấn thương hoặc tai nạn có tác động vùng đầu.
  • Đau đầu kết hợp với đau ở mắt hoặc tai.
  • Đau dai dẳng ở một người mà trước đây không bị đau đầu.
  • Đau đầu tái diễn ở trẻ em.


Như vậy, đau đầu chóng mặt là một triệu chứng thường gặp ở dân văn phòng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể giải quyết vấn đề trên bằng nhiều biện pháp bao gồm cả dùng thuốc và không dùng thuốc. Vì vậy nếu bạn là một nhân viên công sở đang mắc chứng đau đầu hay chóng mặt, hãy tìm hiểu nguyên nhân và quan sát các triệu chứng để tìm được biện pháp điều trị thích hợp nhất nhé.


Nguồn tham khảo:

  1. Elsevier: Sleep and Headache
  2. Sage Journals: Screen time exposure and reporting of headaches in young adults: A cross-seasonal study. 
  3. Springer Link: Caffeine and Headache 
  4. Pubmed: Diet and Headache
  5. NIH: Headache information page.




Powered by Froala Editor