Các giải pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi trong mùa dịch


Bạn có để ý rằng khi càng lớn tuổi, bạn dễ bị ốm hơn khi còn trẻ và khả năng bình phục cũng lâu hơn? Đó là vì hệ miễn dịch - hệ thống phòng thủ của cơ thể - có xu hướng yếu đi theo tuổi tác. Hãy cùng tìm hiểu những phương pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi trong mùa dịch này nhé.


Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương do bệnh tật vì hệ miễn dịch suy yếu


1. Tại sao phải tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi trong mùa dịch?

1.1. Hệ miễn dịch là gì? Có vai trò như thế nào?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới phức tạp gồm các tế bào và phân tử được biệt hóa để chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng khác hoặc những thay đổi bất lợi xảy ra ngay bên trong cơ thể. Đặc biệt, sau khi tiêu diệt vi khuẩn mà nó đã từng đánh bại, hệ miễn dịch có khả năng "ghi nhớ" kẻ xâm lược, sau đó sẽ phòng thủ và tiêu diệt chúng một cách nhanh chóng nếu chúng xâm nhập trở lại cơ thể lần nữa. Tuy nhiên, sự bất thường của hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến các bệnh dị ứng, suy giảm miễn dịch và rối loạn tự miễn dịch.

Nhiệm vụ chính của hệ thống miễn dịch là:

  • Chống lại các mầm bệnh có hại như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm và loại bỏ chúng khỏi cơ thể
  • Nhận biết và trung hòa các chất độc hại từ môi trường đưa vào cơ thể
  • Chống lại những thay đổi có hại trong cơ thể như tế bào ung thư


1.2. Tại sao hệ miễn dịch của người cao tuổi cần “tăng cường”?

Khi tuổi tác càng cao, hệ miễn dịch dường như cũng "già" theo với những thay đổi như:

  • Hệ thống miễn dịch đáp ứng chậm hơn. Điều này dẫn đến việc tiêm phòng vắc-xin có thể không hiệu quả hoặc hiệu quả không được lâu như mong đợi
  • Rối loạn dẫn đến các bệnh tự miễn - tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm và làm tổn thương hoặc phá hủy các tế bào của cơ thể
  • Ít tế bào miễn dịch được sản xuất hơn, đồng thời khả năng phát hiện và sửa chữa các khiếm khuyết tế bào của chúng cũng suy giảm dẫn đến khả năng chữa lành, hồi phục chậm hơn


2. Dấu hiệu người cao tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch

Khi hệ miễn dịch hoạt động tốt, hầu hết mọi người sẽ không để ý đến sự tồn tại của nó. Thế nhưng khi hệ miễn dịch bị suy giảm, rất nhiều vấn đề về sức khỏe sẽ xảy ra và bạn sẽ dễ dàng phát hiện được điều này thông qua các tín hiệu mà cơ thể truyền tới.

2.1. Mệt mỏi, thiếu sức sống

Việc cảm thấy mệt mỏi, uể oải do công việc bận rộn là một điều khá bình thường. Tuy nhiên nếu bạn đã nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc mà vẫn bị kiệt sức, thiếu năng lượng thì đây có thể là dấu hiệu hệ miễn dịch của bạn đang bị yếu đi. Có thể giải thích rằng cơ thể bạn đang cố gắng tiết kiệm năng lượng để ưu tiên cho hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại các tác nhân có hại xâm nhập, dẫn đến năng lượng dành cho các hoạt động bình thường sẽ bị giảm bớt khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.

 Dấu hiệu dễ thấy nhất của suy yếu hệ miễn dịch chính là mệt mỏi, thiếu sức sống


2.2. Dễ mắc bệnh vặt

Người lớn bị cảm lạnh từ hai đến ba lần mỗi năm và hồi phục sau 7 đến 10 ngày là điều bình thường. Nếu bạn để ý thấy các đợt cảm xảy ra thường xuyên hơn và mất nhiều thời gian hơn để hồi phục thì đây là dấu hiệu hệ miễn dịch của bạn đang gặp vấn đề dẫn đến khả năng chống lại vi rút, vi khuẩn kém đi.

2.3. Chán ăn, tiêu hoá kém

Nghiên cứu cho thấy có tới gần 70% các tế bào miễn dịch tập trung ở đường tiêu hóa, cụ thể là ở ruột non. Các vi khuẩn có lợi sống ở đó có nhiệm vụ bảo vệ đường ruột của bạn khỏi bị nhiễm trùng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Vậy nên nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc táo bón, đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang bị tổn hại.

2.4. Vết thương lâu lành, bệnh lâu khỏi

Da có khả năng tự chữa lành sau khi bạn bị bỏng, cắt hoặc xây xát bằng cách đưa máu giàu chất dinh dưỡng đến vết thương để giúp tái tạo tế bào da mới. Tốc độ của quá trình chữa lành này nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc nhiều vào các tế bào miễn dịch khỏe mạnh. Nếu hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động kém, các tế bào mới sẽ không được tạo ra nhanh chóng. Kết quả là vết thương sẽ chậm lành.


3. Các giải pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi

3.1. Chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn đủ chất, đủ bữa

Một chế độ dinh dưỡng khoa học là chìa khóa để tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt là với người cao tuổi. Hãy đảm bảo thiết lập một chế độ ăn cân đối giữa rau củ, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo.

Ngoài việc cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, một chế độ ăn uống lành mạnh còn giúp đảm bảo cơ thể nhận được đủ lượng vi chất dinh dưỡng đóng vai trò duy trì hệ thống miễn dịch, bao gồm:

  • Vitamin B6, có trong thịt gà, cá hồi, cá ngừ, chuối, rau xanh và khoai tây (cả vỏ)
  • Vitamin C, được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt, bao gồm cam và dâu tây, cũng như cà chua, bông cải xanh và rau bina
  • Vitamin E, được tìm thấy trong hạnh nhân, dầu hướng dương, hạt hướng dương, bơ đậu phộng và rau bina

Các chuyên gia tìm ra rằng cơ thể chúng ta hấp thụ vitamin hơn từ các nguồn thực phẩm thiên nhiên hiệu quả hơn so với thực phẩm chức năng, vậy nên cách tốt nhất để hỗ trợ hệ thống miễn dịch là có một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, đủ chất.


Để tăng cường hệ miễn dịch, trước hết cần lưu ý và thay đổi chế độ ăn uống


3.2. Uống đủ nước, ngay cả khi không khát

Nước đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, bao gồm tăng cường hệ miễn dịch. Nước là thành phần quan trọng của bạch huyết - một chất lỏng giúp mang các tế bào miễn dịch đi khắp cơ thể để thực hiện nhiệm vụ. Mất nước làm chậm sự di chuyển của bạch huyết, dẫn đến suy giảm hệ thống miễn dịch.

Ngay cả khi bạn không tập thể dục hoặc đổ mồ hôi, bạn vẫn liên tục mất nước qua hơi thở, cũng như qua nước tiểu và nhu động ruột. Để giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn luôn uống đủ nước mỗi ngày và uống ngay cả khi không cảm thấy khát.

3.3. Vận động thể chất vừa sức và điều độ

Hoạt động thể chất không chỉ để xây dựng cơ bắp và giúp giảm căng thẳng thông qua giải phóng học môn endorphin, từ đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và tăng cường hệ miễn dịch.

Chế độ tập luyện đúng sẽ tăng cường tuần hoàn tổng thể, giúp các tế bào miễn dịch dễ dàng di chuyển khắp cơ thể hơn. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tham gia ít nhất 30 phút tập thể dục ở mức độ vừa phải mỗi ngày sẽ giúp kích thích hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch kém như người cao tuổi nên cẩn thận, không nên tập quá sức vì có thể gây mệt mỏi, chấn thương.

3.4. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc

Có rất nhiều hoạt động quan trọng diễn ra trong cơ thể bạn khi bạn ngủ - ngay cả khi bạn không nhận ra. Ví dụ, quá trình sản xuất bạch cầu - thành phần quan trọng của hệ miễn dịch - diễn ra chủ yếu trong thời gian bạn ngủ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không ngủ đủ giấc dễ bị bệnh hơn sau khi tiếp xúc với vi rút, chẳng hạn như vi rút gây cảm lạnh thông thường. Để hệ thống miễn dịch của bạn có điều kiện tốt nhất để chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày đối với người lớn và từ 8 đến 17 giờ mỗi ngày đối với trẻ sơ sinh và trẻ em.

3.5. Giữ cho tinh thần luôn lạc quan, thoải mái

Trong giai đoạn căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài, cơ thể bạn có thể xảy ra tình trạng stress oxy hóa. Tình trạng này sẽ ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, làm tăng khả năng nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Căng thẳng cũng đi kèm với các vấn đề khác như ngủ kém và chế độ ăn uống không tốt, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Do đó hãy giữ cho tinh thần luôn lạc quan, thoải mái bằng các bài tập đơn giản như hít thở sâu, ngồi thiền, yoga hay tập thể dục. Đối với người cao tuổi có thể tham gia các lớp dưỡng sinh, các câu lạc bộ chơi cờ hoặc cầu lông ở địa phương.


 Sức khoẻ tinh thần ảnh hưởng đáng kể đến hệ miễn dịch


4. Vai trò của vitamin C trong tăng cường hệ miễn dịch, cách bổ sung hiệu quả

4.1. Vai trò của vitamin C

Vitamin C là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể người không tự tổng hợp được nhưng lại có vai trò to lớn giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể thông qua các vai trò sau:

  • Kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch quan trọng như bạch cầu, tế bào lympho và đại thực bào - những "chiến binh" bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập và "thu dọn" các tế bào hư hỏng, các tế bào bị lỗi trong cơ thể
  • Hỗ trợ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại bởi các phân tử gây hại như gốc tự do.
  • Kích thích sản xuất collagen - thành phần thiết yếu của của da. Da chính là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể đối với các tác nhân có hại bên ngoài. Vitamin C được vận chuyển tích cực đến da, nơi nó có vai trò là một chất chống oxy hóa và giúp tăng cường tính đàn hồi, bền chắc của da.


4.2. Các loại thực phẩm bổ sung vitamin C hiệu quả và tiện lợi

Tuy cơ thể không thể tự sản xuất ra loại vitamin thần kỳ này nhưng rất may mắn là vitamin C rất dồi dào trọng tự nhiên, có nhiều trong các loại trái cây và rau củ xung quanh chúng ta. Có rất nhiều loại trái cây quen thuộc và rất giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi, dâu tây, kiwi... Bên cạnh đó thì các loại rau quả như ớt chuông, cà chua, khoai tây, bông cải xanh,... cũng chứa rất nhiều vitamin C và có thể đưa vào thực đơn hàng ngày.

Tuy nhiên ở người cao tuổi, việc cung cấp đủ lượng vitamin C bằng các thực phẩm trên có thể gặp khó khăn vì người cao tuổi thường ăn ít và khả năng hấp thu dinh dưỡng cũng kém đi nhiều so với người trẻ. Lúc này một lựa chọn khác tiện lợi hơn nhưng lại rất hiệu quả đó chính là bổ sung vitamin C thông qua các chế phẩm bổ sung. 

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm bổ sung vitamin C chuyên biệt dành cho những người không cung cấp đủ lượng cần thiết thông qua bữa ăn hàng ngày, trong đó có người cao tuổi mà bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các nhà thuốc. Dạng bào chế của nó cũng rất đa dạng từ viên nén, viên nhai, viên nang, viên sủi cho đến siro uống, tuy nhiên dạng viên sủi được dùng phổ biến hơn vì sự tiện dụng cũng như khả năng hấp thu nhanh sau khi uống. Đặc biệt, những viên sủi vitamin C nhập khẩu từ nước ngoài như Pháp với công nghệ sản xuất tiên tiến, mùi vị thơm ngon dễ uống đã và đang được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn và được các bác sĩ, dược sĩ chỉ định sử dụng để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng một cách hiệu quả và nhanh chóng.


Vitamin C dạng viên sủi là nguồn bổ sung vitamin C tiện lợi và hiệu quả


Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang lan rộng và khó kiểm soát như hiện nay, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị "tổn thương" nhất nếu không may bị nhiễm. Vì vậy việc tăng cường hệ miễn dịch cho người cao tuổi trong mùa dịch là cách tốt nhất để bảo vệ họ cũng như những người xung quanh.


NGUỒN THAM KHẢO

1.    NCBI. How does the immune system work?.

2.    MedlinePlus. Aging changes in immunity.

3.    Medical News Today. How to stay healthy with a weak immune system.

4.    Pubmed. Vitamin C and Immune Function.

5.    Penn Medicine. 6 Signs You Have a Weakened Immune System.


Powered by Froala Editor