13 dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng thiếu hụt vitamin C và cách phòng ngừa hiệu quả


Vitamin C là một dưỡng chất không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sinh lý trong cơ thể, vì thế cần phải bổ sung vitamin C đều đặn để có một sức khỏe tốt. Bài viết này sẽ cung cấp một số dấu hiệu nhận biết được tình trạng thiếu hụt vitamin C từ sớm để tiến hành bổ sung và phòng ngừa hiệu quả.


Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng sinh lý trong cơ thể


1. Các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng thiếu hụt vitamin C

Mọi người đều hiểu rõ tầm quan trọng của vitamin C đối với sức khỏe. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc bổ sung đủ vitamin C vẫn chưa được thực hiện đúng cách trong một số trường hợp. Thiếu hụt vitamin C kéo dài có thể dẫn đến một bệnh lý nghiêm trọng gọi là Scorbut. Tuy nhiên, trước khi tiến triển đến giai đoạn nặng, cơ thể có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo thiếu vitamin C từ sớm và việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu này giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Dưới đây là 13 dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng thiếu vitamin C:

1.1.Tâm trạng mệt mỏi

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang thiếu vitamin C là cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, tình trạng này thường cải thiện rất nhanh sau khi bạn bổ sung đủ vitamin C. Chỉ cần vài ngày uống đủ lượng vitamin C, bạn sẽ thấy mình tràn đầy năng lượng trở lại.


Thiếu hụt vitamin C gây ra mệt mỏi và buồn ngủ


1.2. Da thô ráp, sần sùi 

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen. Collagen có nhiều trong các mô liên kết như da, tóc, khớp, xương và mạch máu. Khi nồng độ vitamin C thấp, tình trạng dày sừng nang lông có thể xuất hiện. Đó là tình trạng lớp da thô ráp, sần sùi hình thành ở mặt sau của cánh tay, đùi hoặc mông bởi sự tích tụ protein keratin bên trong lỗ chân lông. 

Bệnh dày sừng nang lông do thiếu vitamin C thường xuất hiện sau 3-5 tháng liên tục thiếu hụt vitamin C và khỏi khi bổ sung. Tuy nhiên, đây chỉ là một biểu hiện của thiếu vitamin C và không đủ để chẩn đoán. Bởi vì dày sừng nang lông có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác.

1.3. Lông, tóc có hình xoắn ốc

Khi thiếu vitamin C, quá trình hình thành cấu trúc của sợi lông bị ảnh hưởng. Điều này khiến lông mọc không thẳng mà bị xoắn lại. Lông xoắn thường yếu hơn và dễ gãy rụng. Việc bổ sung vitamin C sẽ giúp phục hồi quá trình tạo sợi lông, từ đó cải thiện tình trạng lông xoăn.

1.4. Nang lông màu đỏ

Dưới da, xung quanh chân lông có rất nhiều mạch máu nhỏ có vai trò nuôi dưỡng lông. Khi thiếu vitamin C, những mạch máu này trở nên yếu ớt và dễ vỡ, gây ra những chấm đỏ nhỏ xung quanh chân lông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ thể bạn đang thiếu vitamin C rất nhiều. Nếu bạn bổ sung đủ vitamin C, những chấm đỏ này thường sẽ biến mất trong vòng hai tuần.


Xuất hiện các vết đỏ xung quanh lỗ chân lông cũng là một trong các dấu hiệu cho biết cơ thể đang thiếu vitamin C


1.5. Móng tay hình thìa có đốm hoặc đường màu đỏ

Móng tay hình thìa là loại móng bị lõm xuống như cái thìa, thường mỏng và dễ gãy. Nếu bạn thấy móng tay mình có hình dạng như vậy, kèm theo những chấm đỏ nhỏ hoặc đường kẻ đỏ thẳng đứng, thì có thể bạn đang thiếu vitamin C. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những biểu hiện ban đầu. Để chắc chắn, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và tư vấn cách điều trị phù hợp.

1.6. Da khô và dễ bị tổn thương

Vitamin C giúp bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời, khói thuốc lá và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, vitamin C cũng có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất collagen như đã nói, bổ sung đủ vitamin C giúp làn da khỏe mạnh và đầy đặn. Vì thế, việc thiếu hụt vitamin C trong thời gian dài có thể làm da khô và nhăn nheo nhưng chỉ dựa vào triệu chứng này thôi chưa đủ để kết luận chính xác.


Thiếu hụt vitamin C có thể làm làn da trở nên khô và nứt nẻ


1.7. Da dễ bầm tím

Vết bầm tím là do các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ, khiến máu chảy ra các vùng xung quanh. Thiếu vitamin C dẫn đến sản xuất collagen kém khiến mạch máu yếu và dễ vỡ dù va chạm nhẹ. Điều này giải thích tại sao người thiếu vitamin C thường hay bị bầm tím. Các vết bầm tím này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể và có nhiều kích thước khác nhau.


Người thiếu hụt vitamin C thường xuất hiện các vết bầm tím


1.8. Vết thương lâu lành

Vết thương chậm lành là do thiếu vitamin C làm chậm tốc độ hình thành collagen. Một số nghiên cứu cứu đã chứng minh, trong những trường hợp thiếu vitamin C nghiêm trọng vết thương cũ thậm chí có thể tái phát và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vết thương chậm lành là một trong những dấu hiệu thiếu hụt vitamin C trầm trọng và chỉ được phát hiện khi đã thiếu hụt trong nhiều tháng.

1.9. Khớp sưng và đau

Trong các khớp có chứa nhiều mô liên kết giàu collagen, nên chúng cũng bị ảnh hưởng khi thiếu vitamin C. Đã có nhiều trường hợp được báo cáo về tình trạng đau khớp liên quan đến thiếu vitamin C, dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể được điều trị khỏi bằng cách bổ sung vitamin C trong vòng một tuần.

1.10. Xương yếu

Thiếu vitamin C cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương như việc tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương. Vì thế, khả năng hình thành xương của trẻ em có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu vitamin C vì chúng vẫn đang tăng trưởng và phát triển.

1.11. Chảy máu nướu và mất răng

Nướu đỏ, sưng tấy, chảy máu là cũng là các dấu hiệu phổ biến của tình trạng thiếu vitamin C. Nếu không có đủ vitamin C, mô nướu sẽ bị suy yếu, viêm và mạch máu dễ chảy máu hơn. Việc thiếu vitamin C trầm trọng có thể khiến nướu xuất hiện màu tím, tổn thương và dẫn đến mất răng.


Chảy máu nướu cho thấy cơ thể thiếu hụt vitamin C


1.12. Hệ miễn dịch kém

Vitamin C có tác động bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh vì nó giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn trong việc tiêu diệt vi khuẩn và virus. Điều này giải thích tại sao người thiếu vitamin C thường hay bị ốm vặt và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

1.13. Thiếu máu do thiếu sắt

Vitamin C có vai trò giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Vì thế, nếu thiếu vitamin C cơ thể sẽ khó hấp thu sắt từ thức ăn, vì vậy thiếu máu do thiếu sắt và thiếu vitamin C hay đi kèm với nhau. Các biểu hiện khi thiếu máu do thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, da xanh xao, tóc khô và móng tay dễ gãy.


2. Cách phòng ngừa thiếu hụt vitamin C

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mặc dù có những dấu hiệu cảnh báo sớm về tình trạng thiếu hụt vitamin C, nhưng việc chủ động bổ sung vitamin C để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất. Để đảm bảo cơ thể luôn đủ vitamin C, bạn có thể thực hiện qua các cách sau: 

2.1. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C

Trái cây họ cam: Cam chứa tới 53 mg vitamin C trên mỗi 100 gram cam. Các loại trái cây họ cam khác chẳng hạn như bưởi, quýt và chanh cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C.

Bông cải xanh: 100 gram bông cải xanh chứa 89 mg vitamin C. Ngoài vitamin C, bông cải xanh có chứa rất nhiều chất xơ và nhiều chất chống oxy hóa khác như beta - caroten, vitamin B, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm và ung thư.

Các loại ớt chuông: 100 gram ớt chuông chứa tới 183 mg vitamin C. Mùi vị của ở chuông rất dễ ăn nên để giữ nguyên được lượng vitamin này, cách tốt nhất là hãy rửa sạch rồi ăn sống.

Quả cà chua: Có khoảng 23 mg vitamin C cho mỗi 100 gram cà chua nếu bạn ăn sống. 

Dưa lưới: 100 gram dưa lưới có chứa 40 mg vitamin C. Thay vì ép lấy nước bạn hãy ăn trực tiếp để tận dụng luôn nguồn chất xơ dồi dào từ loại trái cây này.

Quả Kiwi: 100 gram Kiwi chứa khoảng 70mg vitamin C. Hầu hết mọi người đều gọt vỏ khi ăn kiwi nhưng vỏ cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ tốt. 

Quả dâu tây: Dâu tây chứa 59 mg vitamin C trên mỗi 100 gram. 

Quả đu đủ: 100 gram đu đủ chứa 62 mg vitamin C. Không chỉ vitamin C, đu đủ cũng rất giàu carotenoid, flavonoid, vitamin B, folate, kali, magiê và chất xơ.  

Quả ổi: ổi là loại trái cây nhiều vitamin C gấp 4 lần so với cam. Cứ trung bình 100g ổi sẽ cung cấp đến 230mg Vitamin C cho cơ thể. 

Khoai tây: 100 gram khoai tây có chứa khoảng 20 mg vitamin C. 


Vitamin C chứa nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây, rau củ


2.2. Bổ sung vitamin C bằng viên sủi bọt tiện lợi và nhanh chóng

Với những người không đảm bảo bổ sung đủ vitamin C qua các bữa ăn hàng ngày, việc bổ sung vitamin C qua viên sủi là phương pháp tiện dụng và hiệu quả nhất. Hiện nay, các dòng viên sủi vitamin C trên thị trường rất đa dạng, từ nội địa cho đến nhập khẩu. Đặc biệt, loại viên sủi vitamin C nhập khẩu từ Pháp với vị cam thơm ngon, dễ uống đã và đang được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn và được các bác sĩ, dược sĩ chỉ định sử dụng để bổ sung vitamin C, nâng cao sức đề kháng một cách hiệu quả và nhanh chóng cho người dùng.


Sử dụng viên sủi vitamin C là cách bổ sung vitamin C nhanh chóng và tiện lợi nhất

(Sản phẩm tham khảo: Upsa C Vitamin C 1000mg, sản xuất và nhập khẩu từ Pháp)


Bài viết đã cung cấp cho người đọc một số biểu hiện nhận biết sớm tình trạng thiếu hụt vitamin C. Đồng thời, trình bày các cách phòng ngừa tình trạng này bằng cách bổ sung vitamin qua một số loại thực phẩm hoặc viên uống bổ sung vitamin C để mang lại tác dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất!


Nguồn tham khảo:

  1. Healthline. 15 Signs and Symptoms of Vitamin C Deficiency 
  2. Healthline. 20 Foods That Are High in Vitamin C 


Powered by Froala Editor